“Anh trai tôi là một người đàn ông tử tế”, Julio Andrade nói với giọng buồn bã khi đứng bên ngoài nhà xác ở thủ đô Caracas để nhận thi thể người anh cả.
Người ta tìm thấy thi thể của Ruben Dario, người anh 55 tuổi của Andrade, hai ngày trước đó trên một đường cao tốc bên ngoài thành phố. Dario đã bị bắt cóc và sát hại. Tuy nhiên, bi kịch của gia đình anh vẫn chưa chấm dứt.
“Ngoài nỗi đau, chúng tôi phải lo chi phí dịch vụ mai táng trong một hoàn cảnh khủng khiếp như thế này”, Andrade nói với Washington Post.
Hai công nhân khuân một quan tài ra khỏi nhà kho tại thủ đô Caracas trong năm 2014. Ảnh: Reuters |
Tại Venezuela, cuộc sống thì rẻ còn cái chết lại quá đắt. Đài Quan sát Bạo lực Venezuela, một tổ chức quan sát hoạt động tội phạm, cho biết gần 28.000 vụ giết người xảy ra ở đất nước này vào năm 2015, với 5.250 vụ tại thủ đô. Theo một nghiên cứu hàng năm của Hội đồng về Tư pháp Hình sự và An ninh Công cộng của Công dân, một tổ chức phi chính phủ, Caracas là thành phố bạo lực nhất thế giới.
Trong một đất nước, nơi mà lạm phát ở mức 700% và nền kinh tế suy giảm 10% trong năm qua, người dân đang phải vật lộn để mua thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác. Cùng với tình trạng khan hiếm nhiều loại hàng hóa, giá trị tiền tệ của quốc gia này giảm mạnh khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn. Thủ tục mai táng không phải là ngoại lệ.
Tang lễ tổ chức với mức giá trên trời
Nền kinh tế Venezuela phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ. Bên cạnh đó, đất nước này cũng là quốc gia nhập khẩu nhiều loại hàng hóa nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu thấp như hiện nay, Venezuela thậm chí không đủ tiền để nhập khẩu các nguyên liệu cần thiết để làm quan tài. Tình trạng thiếu hụt đã đẩy giá cả lên cao.
“Tôi đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm vào tang lễ này. Hiện tại, tôi chẳng còn gì”, Julian Hurtado nói trong tang lễ của cha anh tại phía đông thủ đô Caracas.
Để tổ chức một tang lễ hoàn chỉnh, gia đình cần ít nhất 400.000 bolivar, khoảng 400 USD theo tỷ giá chợ đen, vốn là tỷ giá phổ biến mà người Venezuela sử dụng. Con số đó dường như không đắt so cái giá mà người Mỹ hoặc châu Âu phải trả. Tuy nhiên, đó là mức giá trên trời tại Venezuela, nơi mà mức lương tối thiểu hàng tháng của người dân là 15.000 bolivar, tương đương 15 USD.
Carlos, người làm việc trong một nhà tang lễ ở phía đông Caracas, cho biết giá của một ngôi mộ tùy thuộc vào từng nghĩa trang, khoảng 240.000 bolivar (240 USD) đối với nghĩa trang công và khoảng 450.000 bolivar (450 USD) đối với khu vực của tư nhân. Ngoài ra, một gia đình có thể phải chi tới 215.000 bolivar (215 USD) cho phần nghi lễ.
Người nhà cũng phải chi một khoản không nhỏ so với mức lương "còm" để thủ tục diễn ra nhanh chóng. Theo Vanessa Mosquera, một cựu bác sĩ pháp y, lợi dụng tình trạng hiện tại khi tỷ lệ giết người tăng cao, những nhân viên tại nhà xác Caracas "vòi vĩnh" các gia đình khoản phí lên tới 10.000 bolivar (10 USD) để tăng tốc độ xử lý.
Giới chức tại nhà xác từ chối bình luận về thông tin kể trên.
Bỏ qua nghi thức để giảm chi phí
Vì thực trạng đó, một số người quyết định tổ chức nghi lễ tại nhà. Rusbelys Hernandez nói rằng khi mẹ cô qua đời, chú của cô đã đi vay tiền để tổ chức tang lễ.
"Ngay cả như thế, chúng tôi cũng không đủ tiền trả cho dịch vụ. Vì vậy, chúng tôi thực hiện điều đó tại đây, ở nhà", cô nói.
Trong khi đó, một số người khác quyết định cắt bớt "thủ tục".
“Nghi thức rất tốn kém”, Esperanza, người điều hành nhà tang lễ tại Petare, một khu ổ chuột ở phía đông thủ đô Caracas, tiết lộ.
“Quan tài trị giá 100.000 bolivar. Đấy là lý do tại sao mọi người quyết định chôn người thân mà không làm lễ”, người phụ nữ này tiết lộ. Cô cho biết, vì thiếu thốn, cô không thể cung cấp cafe, đường hoặc sữa cho những người đưa tang trong suốt quá trình nghi thức diễn ra.
Tại El Cercado, một trong những nghĩa trang rẻ nhất tại thành phố, việc chôn cất thường bị trì hoãn trong 3 ngày bởi nhu cầu cao trong khi thiếu nhân công. Một số doanh nghiệp phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân sự bởi lao động không muốn làm công việc với mức lương cố định trong bối cảnh đồng tiền mất giá nhanh chóng vì lạm phát.
Sự trì hoãn này khiến chi phí đội lên bởi các thi thể cần được bảo quản trong vài ngày để tránh phân hủy trước khi được chôn cất, Esperanza chia sẻ. Tuy nhiên, người phụ nữ này cho hay, công việc của cô đang trải qua thời kỳ khó khăn.
“Một khi đã xong xuôi, thật khó để thu phí chôn cất. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, không có nhiều điều chúng tôi có thể nói với khách hàng. Chúng tôi đang sống trong một thời kỳ khó khăn ”, Esperanza nói.