Trở thành thần tượng Kpop là một thách thức, nhưng sự xuất hiện của các công ty giải trí giả mạo đang khiến giấc mơ đó trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Với rất nhiều công ty giải trí thật - giả lẫn lộn, làm thế nào để các tài năng trẻ tránh khỏi cảnh bị lừa đảo?
YouTuber Evangeline Pang, hay còn được biết đến với cái tên Ploopy678, đã cố tình tham gia thử giọng cho nhiều công ty nhằm tìm ra câu trả lời. Cô cho biết mình nhiều lần gặp phải những đơn vị lừa đảo, muốn cô gửi tiền hoặc ảnh nóng.
Mạng xã hội ít người theo dõi
Các công ty Kpop thực sự thường có lượng người theo dõi lớn, trung bình là hàng trăm nghìn người trên Instagram, Twitter và các phương tiện truyền thông khác. Các bài viết của những công ty này cũng thường có lượt tương tác lớn. Trong khi đó, những công ty lừa đảo thường có lượng người theo dõi ít ỏi.
Tuy nhiên, theo Evangeline Pang, lượt người theo dõi trang mạng xã hội chưa đủ để đánh giá công ty đó có phải giả mạo hay không. Đó chỉ là một trong những dấu hiệu đầu tiên. Pang cho rằng việc một công ty mới lập trang mạng xã hội, việc có ít người theo dõi, thì không có gì lạ. Thay vào đó, sẽ đáng tin hơn nếu trên trang mạng xã hội đó ghi rõ cách thức liên lạc gồm địa chỉ và số điện thoại, cũng như thông tin các nghệ sĩ đã ra mắt tại công ty này.
Evangeline Pang nộp hồ sơ cho nhiều công ty để tìm ra dấu hiệu lừa đảo. |
Ngoài ra, các công ty thực sự luôn đặt ra tiêu chuẩn cao về chất lượng hình ảnh quảng cáo. Đây là vấn đề gây ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu, uy tín, lẫn doanh thu của công ty. Do đó, theo Evangeline Pang, một công ty liên tục có hình ảnh xấu, kém chất lượng, thí sinh có thể xem xét yếu tố này để bỏ qua cuộc tuyển chọn.
Yêu cầu thông tin cá nhân và nộp tiền
“Không bao giờ cung cấp thông tin cá nhân, chẳng hạn địa chỉ nhà, trừ khi bạn chắc chắn 100% công ty đó hợp pháp”, Evangeline Pang chia sẻ. Cô cho rằng nên tránh cung cấp thông tin cá nhân. Trong quá trình điều tra, Pang phát hiện các công ty lừa đảo thường yêu cầu người nộp đơn cung cấp nhiều thông tin cá nhân, bằng cách sử dụng các biểu mẫu Google Docs.
Tiếp đó, Evangeline Pang chỉ ra vấn đề quan trọng nhất để cho thấy dấu hiệu lừa đảo của một công ty là tiền bạc. Cô cho rằng một công ty không bao giờ nên yêu cầu thí sinh gửi khoản phí thử giọng hay bất kỳ khoản phí nào khác trước khi buổi casting diễn ra.
Một trong những công ty lừa đảo mà Pang nộp đơn thử giọng yêu cầu cô trả 70 USD cho một chương trình đào tạo có lẽ không tồn tại.
Công ty này thậm chí tạo thêm áp lực cho cô khi tuyên bố cuộc tuyển chọn có tính cạnh tranh cao, và Pang phải trả phí trong vòng 48 giờ để tránh mất vị trí của mình. Khi cô không gửi tiền, công ty này bèn liên tục liên hệ với cô và đề nghị giảm mức phí.
Nhiều kẻ lừa đạo lợi dụng ước mơ được nổi tiếng của những chàng trai, cô gái trẻ để đạt được mục đích. |
Nội dung không chuyên nghiệp
Rào cản ngôn ngữ có thể dẫn đến các bản thông báo kém cỏi hoặc sai sót, ngay cả trên trang web của các công ty nổi tiếng, bao gồm “ông lớn” SM Entertainment. Tuy nhiên, Evangeline Pang nhận ra với những công ty lừa đảo, tình trạng mắc lỗi nghiêm trọng hơn, từ ngữ pháp, chính tả, dùng từ rút gọn, cho đến việc sử dụng tiếng lóng trên mạng Internet.
Cô đồng thời chỉ ra những công ty chuyên nghiệp rất hạn chế việc dùng tính từ hay khen ngợi ứng viên dễ thương, đáng yêu…
“Nếu đại diện công ty cung cấp cho bạn câu trả lời mơ hồ về quy trình thử giọng, mô hình kinh doanh của công ty hoặc các chi tiết quan trọng khác, hãy chuyển sang công ty khác. Một đại diện thực sự sẽ đưa ra đáp án cho những thắc mắc của bạn, cung cấp thông tin hoặc hướng dẫn bạn tới một người nào khác có thể giải đáp”, Pang nói thêm.
Cô gái cũng cung cấp nhiều tin nhắn với đại diện các công ty giả mạo để cho thấy những người này thường cố chuyển hướng câu chuyện sang vấn đề khác, chẳng hạn chi phí, khi họ không thể trả lời thắc mắc của ứng cử viên.
Yêu cầu các video clip và hình ảnh gợi cảm
Giải thích vấn đề này, Evangeline Pang cho biết: “Việc gửi ảnh và video để thử giọng trực tuyến là điều bình thường, nhưng hãy thận trọng. Một số kẻ lừa đảo dùng việc thử giọng cho công ty giải trí làm vỏ bọc cho nạn buôn người. Hãy suy nghĩ như mình chính là một kẻ lừa đảo. Tại sao bạn tìm kiếm các ứng cử viên trẻ tuổi rồi lôi kéo họ bằng hào quang của giới giải trí, từ đó khiến họ cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh và video của họ?”.
Trong quá trình nộp đơn cho các công ty - vốn phần lớn là giả mạo - Pang nhiều lần nhận ra những ám chỉ, gợi ý cho việc gửi hình ảnh gợi cảm, dù cô ghi trong hồ sơ mình mới 16 tuổi. Phía công ty giải trí giả mạo nhận xét cô có không yếu tố để trở thành một ngôi sao, do đó cần gửi thêm hình ảnh để xem xét.
Evangeline Pang cho rằng các thí sinh cần lưu ý những dấu hiệu trên để nhận biết một công ty giả mạo. |
Như đã đề cập ở trên, những kẻ lừa đảo sẽ sử dụng chiến thuật thao túng để lừa “con mồi” gửi tiền bạc, thông tin cá nhân, hay hình ảnh gợi cảm. Họ đánh vào nỗi sợ hãi của người nộp đơn về việc bỏ lỡ cơ hội, sau đó tạo thêm áp lực, đe dọa, hoặc mặt khác tâng bốc, khen ngợi kỹ năng hay ngoại hình của người nộp đơn.
Tóm lại, một công ty Kpop thực sự không cần làm điều này với người nộp đơn. Họ biết Kpop là một ngành công nghiệp đang bùng nổ và không thiếu những người muốn biểu diễn trên sân khấu.