Chân (Truth), Thiện (Goodness), Mỹ (Beauty) là ba giá trị nhân bản đồng hành cùng nhân loại từ khi con người có mặt trên Trái đất cho đến nay, chúng cùng tồn tại như một chỉnh thể không thể thiếu mà người ta thường gọi là Golden Mean (chuẩn mực vàng) trong mọi lĩnh vực. Ba giá trị trên đã khởi nguồn sáng tạo cho tác phẩm được thai nghén hơn 30 năm của PSG. TS Lê Công Sự.
Trong buổi tọa đàm ra mắt sách về các giá trị trường cửu vào ngày 21/9 , GS. Chu Hảo nhấn mạnh rằng "Cái gốc của đạo đức chính là Chân-Thiện Mỹ". Đạo đức là chuẩn mực chung của mọi dân tộc trên thế giới, là hình thái ý thức xã hội giúp con người sống hạnh phúc hơn. Trong tác phẩm, nội hàm của ba khái niệm được tác giả diễn giải qua từng chân dung, nêu bật tư tưởng mà mỗi bậc vĩ nhân theo đuổi bằng cách viết cô đọng.
Tác giả Lê Công Sự (bên trái) cùng GS. Chu Hảo chia sẻ về tác phẩm. |
Khởi nguồn từ bản thảo mang tên Họ trong tâm hồn tôi trong thời gian tác giả đi du học tại Nga, xuyên suốt Khát vọng Chân - Thiện -Mỹ là những tác phẩm độc lập với những vĩ nhân quen thuộc như Đức Phật, Khổng Tử, Socrates, hay Kant... Các vĩ nhân trong nước được tác giả chạm khắc bao gồm Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi từ thời trung đại đến Nguyễn Quỳnh, Trần Đức Thảo thời hiện đại.
Triết gia Đức Immanuel Kant khi xây dựng hệ thống triết học đã đặt ra ba câu hỏi: Tôi có thể biết được điều gì? Tôi có thể làm gì? Tôi có thể tin vào điều gì? Sau khi trả lời ba câu hỏi đó, ông đặt ra một câu hỏi tiếp theo: Con người là gì? Chính ở đây, ông đã gợi ý cho chúng ta rằng, con người như một chỉnh thể thống nhất giữa Chân, Thiện, Mỹ.
Trần Đức Thảo trong Một hành trình (Paris 1992) viết: “Khi tự vấn mình, ý thức đòi hỏi cái Thiện trong hành động, cái Chân trong tri thức, và cái Mỹ trong sự hoàn thành các quá trình nghiệm sinh, qua đó ý thức biến thế giới tự nhiên thành một nhân giới, xứng đáng với con người."
Tác phẩm Khát vọng Chân - Thiện - Mỹ của Lê Công Sự. |
Tiến sĩ Triết học Nguyễn Phương Mai cho rằng đây là tác phẩm công phu cả về lượng lẫn về chất, tuy nhiên tác giả chưa nêu bật được tư tưởng chủ đạo của một số nhân vật như Gandi, Tolstoy... Nhưng các tư tưởng đầy giá trị trong tác phẩm là kim chỉ nam dẫn đường cho bất cứ ai muốn hướng đến cuộc sống toàn bích.
Với cách sắp xếp nhân vật logic, người đọc có thể nhận thấy trong tác phẩm sự ảnh hưởng, giao thoa giữa các tư tưởng được đề cập. Ngoài ra các chân dung được giới thiệu có độ phủ bao quát từ Đông sang Tây cũng sẽ khiến độc giả dễ dàng so sánh đối chiếu các luồng tư duy để tìm ra con đường Chân - Thiện - Mỹ cho chính bản thân mình.
PGS.TS Lê Công Sự, sinh năm 1959 tại Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp phân khoa Vô thần, khoa Triết học, Đại học Tổng hợp Leningrad, Liên bang Nga (1985). Thạc sĩ triết học (1996), Tiến sĩ triết học (2004), PGS (2014).
Hiện ông là chủ nhiệm bộ môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lenin, Đại học Hà Nội.