VEC cấm xe và rắc rối công - tư
Việc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) có quyết định cấm vĩnh viễn một số xe đi vào các tuyến đường đang được giao quyền khai thác làm nổi lên một vấn đề kinh điển: các loại hàng hóa và chính sách của Nhà nước đối với chúng.
Hàng hóa tư và hàng hóa công
Hàng hóa thông thường hay được nhắc đến và nhìn thấy là hàng hóa tư mà chúng vừa có tính tranh giành (người này dùng thì không còn cho người khác nữa), vừa có tính loại trừ (phải trả tiền thì mới có, tiền trao thì cháo mới được múc).
Ví dụ, chai nước được bày bán thì phải trả tiền mới có nó (tính loại trừ) và một người uống thì người khác không thể uống nữa.
Hàng hóa tư thuần túy được trao đổi theo cơ chế thị trường, thuận mua, vừa bán. Chủ sở hữu có toàn quyền quyết định về tài sản của mình mà không ai có quyền xâm phạm hay can thiệp. Chủ sở hữu có quyền không bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ cho một số đối tượng nào đó.
Ví dụ, cậu bé có quyền từ chối đánh giày cho một đại gia, đơn giản, vì không thích mà thôi. Thiệt hại của cậu bé này, đương nhiên, là mất thu nhập.
Ở thái cực bên kia là hàng hóa công (public goods) với hai đặc điểm trái ngược: không có tính tranh giành (người này dùng không ảnh hưởng đến người khác dùng), và không có tính loại trừ (ai cũng có thể dùng nếu muốn).
Ví dụ, pháo hoa bắn lên trời nên ai cũng có thể xem miễn phí và việc xem của người này về cơ bản không ảnh hưởng đến người khác xem.
Do không tranh giành và không thể loại trừ, tư nhân không có động cơ làm nên Nhà nước phải đứng ra cung cấp. Quốc phòng, an ninh là những loại hàng hóa công điển hình nhất.
Sử dụng các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp là một quyền cơ bản của con người. Ví dụ, Quảng trường Ba Đình, ai cũng có quyền đến đó.
Hàng hóa vừa công vừa tư và rắc rối của nó
Ở giữa hai thái cực là những loại hàng hóa chỉ có một phần trong hai thuộc tính nêu trên - hàng hóa vừa có tính chất công vừa có tính chất tư hay hàng hóa bán công (quasi-public goods).
Đường giao thông là một trường hợp điển hình. Đường do Nhà nước xây để người dân tự do đi lại lúc thấp điểm là hàng hóa công thuần túy; lúc cao điểm sẽ có tính tranh giành. Khi tư nhân làm theo mô hình đối tác công tư và thu phí, lúc thấp điểm thì có tính loại trừ, nhưng không tranh giành; và lúc cao điểm thì có cả hai.
Chi phí của các loại hàng hóa được cung cấp đều do những người sống dưới gầm trời này chi trả. Vấn đề đặt ra là cách thức chi trả như thế nào.
Với hàng hóa tư thuần túy, cơ chế thị trường là tốt nhất. Với hàng hóa công thuần túy không thể khắc phục hai thuộc tính trên thì Nhà nước phải đứng ra cung cấp hoặc tài trợ cho việc cung cấp (tư nhân sản xuất nhưng Nhà nước trả tiền).
Đối với những loại hàng hóa ở giữa thì cả hai đều có thể tham gia và rắc rối nảy sinh.
Với những hàng hóa gần thái cực của hàng hóa tư thì chủ sở hữu hay người cung cấp nó sẽ có những quyền gần với hàng hóa tư hơn; ngược lại, những hàng hóa gần thái cực của hàng hóa công thì người sở hữu hay cung cấp sẽ có ít quyền hơn.
Ví dụ, một người có thể mở một con đường trên đất thuộc sở hữu của mình song song với con đường của công hiện tại (đường đi ngắn hơn và chất lượng cao hơn), gần như có toàn quyền với con đường của mình, thích cho ai đi cũng được, không thích thì thôi.
Trái lại, nếu đó là một con đường độc đạo và nhiều người cần phải đi qua thì khả năng con đường này có tính chất công nhiều hơn vì rất khó loại trừ (về mặt dư luận và áp lực xã hội) và cũng không thể lấy mức phí quá cao.
Nếu mọi người đều duy lý, biết điều, tính toán thiệt hơn về lợi ích của mình thì xã hội sẽ rất đơn giản. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy.
Đối với hàng hóa tư thuần túy, công nhận quyền tư hữu là một nền tảng hết sức quan trọng của cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, với hàng hóa bán công, bán tư thì sẽ như thế nào khi mà mỗi loại lại có tính chất khác nhau? Cho đối xử như hàng hóa tư để VEC có quyền từ chối cung cấp dịch vụ cho bất kỳ ai mình không thích, hay coi như hàng hóa công để những vụ rắc rối thuộc quyền xử lý của nhà nước?
Nhìn vào vấn đề đang xảy ra sẽ thấy hai thái cực hay tiếp cận trái ngược nhau. VEC ở thái cực hàng hóa tư thuần túy. Đây là dịch vụ tôi cung cấp và thu tiền nên có quyền từ chối phục vụ một số đối tượng. Trái lại, dư luận thì thiên về hướng hàng hóa công thuần túy nên cho rằng VEC không có quyền cấm.
Thực ra, rất khó phân định cái lý thuộc về bên nào do tính chất của loại hàng hóa này. Rắc rối hơn là mỗi tuyến đường thì tính chất công hay tư cũng khác nhau.
Đến đây, một vấn đề kinh điển khác nảy sinh đó là vai trò và quy mô của Nhà nước. Nếu cho tư nhân có quyền rộng hơn thì quy mô của Nhà nước sẽ nhỏ lại. Ngược lại, khi Nhà nước giành hết quyền thì bộ máy sẽ phình to và sự kém hiệu quả sẽ kéo dài.
Với trường hợp cụ thể đã xảy ra thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã “tuýt còi”. Tuy nhiên, đây là vấn đề sẽ còn lặp lại và tốn nhiều giấy mực trong tương lai. Làm thế nào để có được một cách tiếp cận hợp lý là điều không hề đơn giản.
Tóm lại, nhìn sâu vào câu chuyện VEC đang đầu tư và vận hành các tuyến đường cao tốc và các chính sách của họ cũng như cách ứng xử của Nhà nước sẽ thấy rất nhiều vấn đề. Đằng sau nó là triết lý về quy mô và vai trò của Nhà nước cùng với chính sách với mỗi loại hàng hóa để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội chứ không đơn thuần chỉ là cho hoặc cấm ở góc độ của doanh nghiệp hay Nhà nước.
#VOICES là chuyên mục của Zing.vn, quy tụ các bài quan điểm, góc nhìn sâu về chủ đề thời sự nóng. Các bài viết hướng tới sự khác biệt, văn minh, và lập luận dựa trên dữ liệu, chứng cứ.