Sử dụng nền tảng gọi vốn cộng đồng và vẽ ra một thiết bị trong mơ, nhà sáng chế lừa đảo này đã kiếm lời hàng triệu USD một cách nhanh chóng.
Năm 2014, Jeffrey Tschiltsch mở email từ Indiegogo và bắt gặp một thiết bị như đến từ tương lai. Thiết bị có tên "Dragonfly Futurefön" là sự kết hợp giữa điện thoại và máy tính. Trang web của Futurefön hiện hình ảnh chiếc điện thoại mỏng, màn hình lớn và có thể gập đôi, cắm vào đế bàn phím hay xoay ngược lại.
Chạy cả Windows và Android, đây giống như một thiết bị tổng hòa mọi điểm hấp dẫn của máy tính, điện thoại, tablet với mức giá 799 USD. Vẫn còn nghi ngờ nhưng cảm thấy hứng thú với ý tưởng này, Tschiltsch quyết định góp vốn 200 USD.
Năm năm sau, Tschiltsch vẫn chưa được chạm vào chiếc Futurefön. Thay vào đó, ông trở thành nhân chứng trong vụ điều tra lừa đảo với số tiền lên tới 6 triệu USD. Tschiltsch chỉ là một trong rất nhiều người ủng hộ thiết bị này qua Indigogo, và bị nhà sáng lập Jeff Batio lừa đảo hết lần này đến lần khác.
Theo thông tin từ trang gọi vốn, Dragonfly Futurefön là chiếc máy tính có 2 màn hình với mục đích đơn giản hóa việc sử dụng. Phần tách rời của nó là điện thoại Android màn hình 7 inch, hỗ trợ bút cảm ứng. Phần đế là thiết bị có pin và vi xử lý riêng, bàn phím có thể gập lại, với bàn di chuột, thêm màn hình 7 inch nữa, tai nghe Bluetooth.
Các phần của thiết bị có thể sử dụng độc lập hoặc kết nối với nhau để tạo thành một chiếc máy tính siêu nhỏ. Nhà phát triển thậm chí còn hứa hẹn tung bản cập nhật cho phép sử dụng cả Windows lẫn Android. Phó chủ tịch mạng xã hội Bridget Hogan của công ty cho biết họ có đối tác sản xuất đặt tại Mỹ, và sản phẩm có thể đến tay người dùng sau 6 tháng.
"Thiết bị này nghe như một sản phẩm tuyệt vời", Rebecca Pillinger, người ủng hộ Futurefön qua Indiegogo chia sẻ. Cô chưa bao giờ dùng smartphone, đang có một chiếc tablet hỏng màn hình, và thực sự thích việc sử dụng cùng lúc hai màn hình như ở nơi làm việc. Mức giá 800 USD cho sự kết hợp đó nghe thật thú vị.
Thời điểm năm 2014, sự kết hợp nhiều thiết bị cùng lúc cũng đang là xu hướng. Năm 2013, Razer ra mắt máy chơi game kết hợp laptop Edge. Trước đó, Asus ra mắt điện thoại PadFone 4 inch có thể chuyển đổi thành máy tính bảng 10 inch. Năm 2014, Asus còn hé lộ một sản phẩm 3 trong 1: máy tính, máy tính bảng, điện thoại chạy cả Windows và Android.
Gọi vốn cộng đồng cũng là trào lưu cách đây 5 năm. Kính thực tế ảo Oculus Rift sau khi gọi vốn cộng đồng thành công được Facebook mua lại với giá 2 tỷ USD. Đồng hồ thông minh Pebble được 85.000 người ủng hộ. Nhiều sản phẩm gọi vốn rất "dị" như máy đọc suy nghĩ của chó hay tủ lạnh đem theo người cũng được ủng hộ.
Do vậy, tuy Futurefön không quá thuyết phục, nhiều người vẫn bỏ tiền ủng hộ. Tschiltsch cho rằng sản phẩm thú vị như vậy hoàn toàn đáng với 200 USD ông bỏ ra. Trong khi đó Pillinger xác định mình chỉ có thể mua sản phẩm với mức giá thấp hơn khi nó đang gọi vốn cộng đồng.
Nếu tỉnh táo hơn, người xem hoàn toàn có thể nhận ra những điểm đáng ngờ của sản phẩm. Tất cả hình ảnh được đăng tải đều là hình mẫu 3D, không có hình thật. Thông số của máy tốt đến đáng ngờ. Dù màn hình 7 inch, chiếc máy này chỉ nặng ngang Samsung Galaxy S5 màn hình 5,1 inch.
Futurefön không phải thiết bị đầu tiên mà Jeff Batio tạo ra. Ông đã tham gia ngành phần cứng từ cuối những năm 1990, và đăng ký nhiều bằng sáng chế về ý tưởng máy tính gập, chia màn hình. Khoảng năm 2000, Jeff Batio thành lập công ty Xentex để thực hiện giấc mơ đó.
Sản phẩm được gọi tên Flip-Pad Voyager do Frog thiết kế. Frog là tên tuổi lớn trong ngành thiết kế công nghiệp, từng tạo ra máy tính Apple IIc hay NeXTcube. Voyager là chiếc máy tính với 2 màn hình, cả màn hình và bàn phím đều tách ra và gập lại được như laptop.
Người dùng có thể sử dụng chiếc Voyager theo kiểu 1 hoặc 2 màn hình, ghép 2 màn lại hoặc xoay sang cho người khác cùng nhìn. Tuy không có chức năng smartphone như Futurefön, Voyager cũng đủ khác biệt để nhận được nhiều sự quan tâm. Tạp chí PC Magazine từng lấy chiếc Voyager làm ảnh bìa.
Tuy nhiên, Voyager không bao giờ trở thành sản phẩm thương mại. Batio cho biết ngay trước khi Voyager hoàn thiện và bán ra, đối tác sản xuất của họ ở Hàn Quốc phá sản. Không lâu sau thất bại của Voyager, Xentex phá sản. Chiếc máy tính này chỉ xuất hiện trở lại đúng một lần khi bản dùng thử được bán trên eBay vào năm 2008.
Không phải ai cũng tin lời giải thích của Jeff Batio. Nhiều nhà đầu tư của Xentex chung đơn kiện công ty về hành vi che giấu những rào cản kỹ thuật khiến sản phẩm không thể thành hình. Họ cũng cho rằng Batio đã tiêu phí tiền của công ty vào những thứ như nhà cửa, xe sang.
Mikal Greaves, Trưởng nhóm kỹ thuật tại Frog thời kỳ Xentex cho rằng Voyager đã gần hoàn thiện. Tuy nhiên, số người chấp nhận bỏ ra 5.000 USD cho chiếc máy tính nặng hơn 5 kg chắc chắn không nhiều.
"Jeff có tiền, hợp tác với Frog và một công ty gia công, đã rất gần tới sản phẩm thương mại. Vụ gọi vốn cho Futurefön khác hoàn toàn", Greaves nói.
Sau Xentex, Batio mở công ty có tên Armada với thương hiệu IdealFuture vào đầu những năm 2010. Thiết kế của Voyager một lần nữa được chỉnh sửa thành chiếc laptop có tên IF Convertible, với kiểu dáng gần như giống hệt Futurefön. IdealFuture đưa IF Convertible lên Indiegogo năm 2013, gọi vốn được 18.000 USD từ 33 nhà đầu tư.
Chỉ 1 năm sau, công ty này tuyên bố họ sẽ "thiết kế lại hoàn toàn" cho thiết bị, và mở chiến dịch gọi vốn Futurefön thành công rực rỡ.
Những người làm việc trực tiếp với IdealFuture nhanh chóng nhận ra nhiều điểm đáng ngờ. Nhà soạn nhạc Ryan Farhood, người đầu tư 10.000 USD vào công ty và viết bài hát cho sản phẩm cho biết ông không nhìn thấy bản mẫu nào hoạt động.
"Mọi thứ đều chỉ làm màu. Không có bản thử nghiệm, cũng chẳng có thiết kế mẫu nào hoạt động. Đáng tiếc là tôi đã chuyển tiền mất rồi", Farhood kể lại.
Allison Sugahara, người được Batio thuyết phục về dự án, đã dành 3 ngày cuối tuần để hoàn thiện website cho sản phẩm, nhưng cuối cùng chẳng bao giờ nhận số tiền 2.000 USD mà cô được hứa hẹn. Thứ cô nhận được là chứng nhận sở hữu 50.000 cổ phiếu của IdealFuture. Chris, bạn của Sugahara, cũng làm phim giới thiệu sản phẩm cho IdealFuture và không nhận được thù lao.
Những sự quanh co và dấu hiệu lừa đảo của IdealFuture được chỉ ra trên cộng đồng ShittyKickstarters ở Reddit.
"Dragonfly, một thiết bị không có thật, đã gọi được gần 500.000 USD. Kết thúc vào hôm nay, tổng hợp trong phần bình luận. Tôi đang chết trong lòng", bài đăng cuối năm 2014 trên Reddit mô tả sản phẩm này.
"Có vẻ như họ lấy danh sách gồm tất cả những công nghệ đang hot nhất và cho vào máy xay vậy", một thành viên bình luận.
"Ngay từ đầu, đã có thể thấy có quá nhiều điểm sai. Nhìn cái máy rất lởm, thông số thì quá mạnh. Họ không thể nào bán chiếc máy với cấu hình như vậy ở mức giá mà họ hứa hẹn", thành viên có tên Otidder nhận xét.
Những bản quyền tương tự mẫu Dragonfly từng được một cựu sinh viên MIT đăng ký vào những năm 1990. Ed Bullister, người đăng ký những bản quyền đó, hiểu rõ vấn đề của những thiết kế không tưởng này.
"Mọi thứ đều phải đặt riêng. Kích cỡ màn hình không tiêu chuẩn. Bàn phím có lẽ là thứ dễ nhất, nhưng nó lại phải gập được. Phần bản lề sẽ có rất nhiều dây nối", Bullister chia sẻ.
"Tạo ra thiết bị như vậy cũng giống như làm ra hẳn một dòng xe hơi riêng, một chiếc Tesla, hoặc iPad. Một là tôi quá khờ, nếu không thì đây chỉ có thể là trò lừa đảo", Ed Bullister nhận xét.
Bất chấp những nghi ngờ, chiến dịch gọi vốn cho chiếc Futurefön vẫn thành công khi đạt 650.000 USD, vượt xa mức 10.000 USD dự kiến. Ban đầu, IdealFuture còn đăng tải cập nhật về dự án thường xuyên, nhưng rồi những cập nhật cũng thưa dần.
"Họ rất tích cực trong chiến dịch gọi vốn trên Indiegogo, thường xuyên đăng tải các hình ảnh và cập nhật. Dù vậy, tất cả đều chỉ là ảnh dựng", Tschiltsch nhớ lại.
Cộng đồng Reddit tiếp tục đón nhận thêm những người nghi ngờ, nhưng họ chỉ thực sự có bằng chứng về sự lừa đảo vào giữa năm 2016. Tháng 5/2016, IdealFuture đăng tải video Phó chủ tịch Bridget Hogan sử dụng chiếc Futurefön. Từng khung hình bị soi kỹ, và một người dùng nhận ra nội dung quảng cáo của cửa hàng pizza từ năm 2014 lọt vào hình ảnh. Họ đã lấy nội dung cũ để giả những cập nhật mới nhất.
"Đầu tiên, có vẻ như họ đang làm một dự án quá sức. Càng về sau, những lời lẽ họ cập nhật càng giống như cố gắng che giấu vụ lừa đảo. Cuối cùng, họ dừng hẳn", Leland Babitch, người ủng hộ dự án chia sẻ.
Tháng 7/2016, IdealFuture đăng bài viết nói đã tìm được đối tác sản xuất. Đó là cập nhật cuối cùng của họ.
Đến lúc này, Tschiltsch cũng như nhiều nhà đầu tư khác đã chấp nhận mình bị lừa. Đây không phải trường hợp lừa đảo hay thất bại duy nhất trên những nền tảng gọi vốn như Kickstarter hay Indiegogo.
Hai năm trước, chiếc đồng hồ thông minh siêu mỏng CST-01 tuyên bố thất bại sau khi gọi vốn 1 triệu USD trên Kickstarter. Chiếc điện thoại YotaPhone với màn hình e-Ink ở lưng không thể bán ở Mỹ.
Tủ lạnh The Coolest, từng là dự án thành công nhất của Kickstarter với số tiền gọi vốn 13 triệu USD, không sản xuất được nhiều và chỉ gần nửa số nhà đầu tư nhận được sản phẩm.
Tschiltsch gần như đã quên đi chiếc Futurefön, cho tới khi ông nhận được cuộc gọi từ FBI vào năm 2018. Sau một loạt câu hỏi, ông được mời làm nhân chứng trong vụ án lừa đảo liên quan đến Jeff Batio.
Không chỉ IdealFuture, Batio còn bị cáo buộc nhiều tội lừa đảo kéo dài suốt 13 năm, từ thời điểm ông sáng lập Armada. Mặc dù dự án Futurefön chỉ gọi vốn được 725.000 USD, tổng số tiền Batio bị cáo buộc lừa đảo lên tới gần 6 triệu USD.
Năm 2019, vụ án được đem ra xét xử. Batio bị buộc 12 tội danh lừa đảo, với mức hình phạt tổng cộng lên tới 20 năm tù. Theo cáo trạng, Batio biết rõ những sản phẩm ông vẽ ra không hoàn thiện, và không kịp sản xuất theo thời gian đã hứa. Batio cũng nói dối về những mối quan hệ với các công ty sản xuất, tiếp thị.
Nhà sáng lập của IdealFuture phủ nhận những cáo buộc này, cho biết những sản phẩm của ông đều đã gần đến giai đoạn hoàn thiện.
"Chính phủ đã hiểu nhầm những giai đoạn phát triển sản phẩm. Ông Batio liên tục làm việc và cố gắng để hiện thực hóa sản phẩm", bản cáo trạng trích lời của luật sư. Jeff Batio đã gửi đơn xin phúc thẩm vụ án. Theo kết luận của vụ án sơ thẩm, ông sẽ phải vào tù từ tháng 9.
Nhiều người ủng hộ IdealFuture cho rằng họ đã nhìn dự án với lăng kính màu hồng. Tuy nhiên, họ cũng hướng sự chỉ trích tới nền tảng gọi vốn Indiegogo. Jeff Batio có lẽ vẫn lừa được số tiền lớn, nhưng không thể nhanh bằng cách sử dụng nền tảng gọi vốn cộng đồng.
"Tôi chưa quen và vẫn còn ngây thơ tin tưởng các thương vụ gọi vốn cộng đồng. Tôi nghĩ tôi có thể tin tưởng những người tạo ra các dự án đó, và Indiegogo đã kiểm định kỹ các dự án được đưa lên", Aurélien Cornil, nhà đầu tư vào IdealFuture chia sẻ.
"Indiegogo rõ ràng cần chịu trách nhiệm trong sự việc này, bởi họ đã cho những kẻ lừa đảo nền tảng để hoạt động", người dùng Reddit có tên Otidder nhận xét.
Không trả lời trực tiếp vụ việc của IdealFuture, nhưng Indiegogo cho biết họ đã cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn dự án để giới thiệu.
"Chúng tôi đã thay đổi và học hỏi từ các dự án trong quá khứ để cải thiện, bảo vệ cộng đồng những người ủng hộ", đại diện của Indiegogo cho biết.
Bài học lớn nhất của những dự án như Futurefön là nó khiến nhiều người nhận ra những sản phẩm thú vị không phải bao giờ cũng hữu dụng trong thực tế. Futurefön giống như một thiết bị trong mơ, nhưng các sản phẩm có vẻ "nhàm chán" hơn như Surface mới là thực tế.
Dù bị lừa, một số nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào các dự án gọi vốn cộng đồng. Leland Babitch chia sẻ niềm đam mê công nghệ khiến cho ông sẵn sàng bị lừa trong tương lai.
"Có lẽ tôi vẫn chưa rút ra được bài học. Đơn giản là tôi thích công nghệ, thích đồ chơi và những thứ thú vị", người đàn ông này chia sẻ.