Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu

Cuốn “Chip War - Cuộc chiến vi mạch” của Chris Miller là biên niên sử về cuộc chiến kéo dài hàng thập niên để kiểm soát tài nguyên quan trọng nhưng khan hiếm: Công nghệ vi mạch.

Tại buổi ra mắt sách “Chip War - Cuộc chiến vi mạch” do Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức ngày 2/6 với chủ đề “Vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu: Việt Nam ở đâu?”, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Intel Việt Nam, chia sẻ: “Nói về ngành bán dẫn ở Việt Nam thì cơ hội dành cho người tham gia còn khá ít ỏi vì ngành bán dẫn của chúng ta thiếu nhiều điều kiện để phát triển, mặc dù có những kết quả chuyên sâu có thể được đánh giá rất cao nhưng về tính lan tỏa, phổ biến còn khá thấp. Rất mừng là những năm gần đây, ở Việt Nam, chủ đề về bán dẫn được quan tâm kịp thời và đã bắt nhịp với những xu hướng trên toàn cầu”.

Chip War anh 1

Buổi ra mắt sách thu hút đông độc giả tham dự. Ảnh: Hạ Yến.

Ngày nay, chip bán dẫn có mặt dày đặc trên hầu hết mọi thiết bị dù là nhỏ nhất trong cuộc sống của chúng ta. Theo tác giả Chris Miller, nếu cán cân quyền lực của thế kỷ XX xoay quanh tài nguyên dầu mỏ, thì đến thế kỷ XXI, cuộc chiến này chuyển sang một thứ còn quan trọng và khan hiếm hơn gấp bội: Chip bán dẫn.

Chip bán dẫn đã tạo ra thế giới hiện đại ngày nay và số phận của các quốc gia phụ thuộc vào khả năng khai thác sức mạnh tính toán của chúng. Cuộc chiến về vi mạch không chỉ là bài toán về cách để sản xuất hàng loạt nhiều hơn, nhanh hơn và ít chi phí hơn mà còn là tìm lời giải cho việc chế tạo thu nhỏ kích thước và cải thiện tốc độ vi mạch.

Chip War anh 2

Cuốn sách “Chip War - Cuộc chiến vi mạch” của tác giả Chris Miller. Ảnh: Hạ Yến.

Bản đồ chất bán dẫn vẫn được cập nhật từng ngày với sự thay đổi sát sao trong cuộc đua gay cấn và hệ trọng của các quốc gia. Cuộc chiến giành uy thế trong ngành bán dẫn là một trong những câu chuyện quan trọng nhất về địa chính trị, an ninh quốc gia và phát triển kinh tế. Nhưng đó cũng là một trong những vấn đề ít được hiểu rõ và cuốn sách “Chip War - Cuộc chiến vi mạch” được coi là có thể giúp độc giả có cái nhìn rõ ràng và sâu sắc hơn về chủ đề cốt yếu này.

Như một cuốn biên niên sử về chất bán dẫn, cuốn sách “Chip War - Cuộc chiến vi mạch” dẫn dắt người đọc trở về những ngày đầu tiên của con chip cách đây khoảng hơn sáu mươi năm và cho người đọc thấy sự thay đổi quyền kiểm soát ngành công nghiệp này có thể định hình lại đáng kể trật tự kinh tế và chính trị của thế giới trong tương lai.

Cuốn sách “Chip War - Cuộc chiến vi mạch” đã nhận giải thưởng “Sách Kinh doanh của năm” của Financial Times, giải Arthur Ross Book của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) và lọt vào danh sách những cuốn sách hay nhất năm do tạp chí The Economist và tạp chí Foreign Affairs bình chọn.

Hạ Yến/Hà Nội Mới

Bạn có thể quan tâm