Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vẻ đẹp và nỗi buồn của 'Người đẹp ngủ mê'

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu lưu ý khi đọc "Người đẹp ngủ mê" phải thấy được các tầng sâu ẩn dụ, chứ không nên nhìn ở bề nổi mà hiểu tác phẩm theo lối dung tục.

kawabata anh 1

Tranh của Gustav Klimt được in trên bìa ấn bản Người đẹp ngủ mê phát hành bởi Kodansha USA.

Người đẹp ngủ mê được Kawabata Yasunari viết và xuất bản vào năm 1961, khi ông 62 tuổi. Tác phẩm này dựa trên một kịch bản sân khấu kabuki với nhan đề Những mỹ nữ của Eguchi, công diễn khoảng thế kỷ 17 ở Nhật Bản.

Tác phẩm kể về những lần ông lão Eguchi 67 tuổi ghé thăm ngôi nhà đặc biệt nơi có những trinh nữ đẹp tuổi chưa đến hai mươi, được gây mê bằng thuốc ngủ liều cao, hoàn toàn khỏa thân trong tình trạng ngủ say. Trong những lần lui tới chốn "lầu xanh" đặc biệt này, nằm cạnh những “bàn tay mịn và đẹp, mái tóc trinh trắng, đôi má ửng đỏ, cổ và vai trông tươi và trẻ…”, nghe tiếng hơi thở lẫn trong tiếng sóng, ông lão lại lạc vào những hoài niệm, suy tư về thế thái.

kawabata anh 2

Bìa sách Người đẹp ngủ mê, bản dịch của Quế Sơn do Phương Nam tái bản năm 2023.

Qua đó, tác phẩm khắc họa thái độ phản tỉnh của một người thực hành thiền định để đi đến giác ngộ về dục tính của chính mình và ý nghĩa của nhân sinh. Đây hẳn nhiên là ẩn dụ cho niềm nuối tiếc những nét văn hóa, những vẻ đẹp xưa kia ở Nhật Bản mà nay chỉ còn có thể gợi nhớ qua những khung cảnh, những hình ảnh tương tự, hao hao như thế.

Trong các tác phẩm của mình, Kawabata Yasunari thường lồng ghép các chi tiết gợi nhớ cuộc sống mồ côi và những khó khăn thời tuổi trẻ.

Ông cũng để lại nhiều khoảng trống để độc giả tự chiêm nghiệm, khám phá. Với ngôn từ biến hóa khéo léo, giọng văn man mác lãng đãng đến mơ hồ, Kawabata dẫn dắt người đọc qua những lát cắt tình huống chừng như nhẹ nhàng thoáng qua mà lại thâm ý, cho độc giả nhiều trải nghiệm khác nhau khi đọc tác phẩm.

kawabata anh 3

Dịch giả Quế Sơn (trái) và nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (giữa) tại buổi giao lưu.

Trong khuôn khổ chào mừng sự kiện khánh thành Đường sách thành phố Thủ Đức, ngày 23/12 vừa qua Nhà sách Phương Nam đã tổ chức buổi giao lưu với nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, dịch giả Quế Sơn. Nội dung buổi giao lưu xoay quanh tiểu thuyết kinh điển Người đẹp ngủ mê của cố nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari.

Với chủ đề Những thể nghiệm nhân sinh trong tác phẩm của Kawabata Yasunari, tại buổi giao lưu hai diễn giả đã chia sẻ sâu về giá trị cái đẹp, nỗi buồn, cũng như vẻ đẹp văn hóa Nhật Bản qua tác phẩm Người đẹp ngủ mê.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu lưu ý phải hiểu được các tầng sâu ẩn dụ của tác phẩm chứ không nên nhìn ở bề nổi của con chữ, của cốt truyện mà hiểu tác phẩm theo một lối dung tục.

Văn học Nhật Bản là cánh cửa mở ra để hiểu tinh thần duy mỹ của người Nhật, để cảm được hồn cốt của văn hóa truyền thống xứ sở hoa anh đào. Tuy nhiên, trước khi đọc tác phẩm này để thêm hiểu văn hóa Nhật Bản, thì độc giả có lẽ cũng cần có những hiểu biết căn bản về văn hóa Nhật Bản để hiểu tác phẩm này.

Kawabata Yasunari (1899-1972) là tác giả người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba đoạt Giải Nobel văn học (1968). Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch và giới thiệu đến độc giả Việt Nam, tiêu biểu có thể kể đến Đẹp và buồn, Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Hồ, Người đẹp ngủ mê v.v.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Tâm Anh

Bạn có thể quan tâm