Xã hội
Vẻ đẹp của đường Tố Hữu cùng 28 tuyến phố mới ở Hà Nội
- Thứ hai, 24/2/2014 10:38 (GMT+7)
- 10:38 24/2/2014
Tố Hữu, Bạch Thái Bưởi, Từ Hoa... là ba đường, phố mới trong số 28 tuyến vừa được Hà Nội đặt tên. Đường mang tên nhà thơ cách mạng trước đây được gọi tạm là Lê Văn Lương kéo dài.
|
Đường Tố Hữu (quận Hà Đông) kéo dài từ ngã tư cuối đường Lê Văn Lương giao cắt với đường Khuất Duy Tiến qua địa bàn huyện Từ Liêm đến ngã tư giao với đường Vạn Phúc, Hà Đông. Tố Hữu là một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam. Tên thật của ông là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920 tại Thừa Thiên Huế, mất năm 2002. Ông từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Công sản VN, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam.
|
|
Biển tên đường Lê Văn Lương kéo dài sẽ được gỡ để thay bằng tên đường Tố Hữu. Toàn tuyến có chiều dài 3.400m, rộng 42m, đây được xem là một trong những con đường dài nhất Hà Nội.
|
|
Đường Bạch Thái Bưởi (quận Hà Đông) kéo dài từ đường Nguyễn Khuyến (Hà Đông) nhà A32 khu TT18 đến giao với đường Yên Phúc gần chợ Yên Phúc và Nghĩa trang liệt sĩ. Tuyến đường dài 950m, rộng 5,5m - 7,5m. Nổi tiếng là người có gan làm giàu, từ tay trắng làm nên nghiệp lớn, Bạch Thái Bưởi (tên thật là Đỗ Thái Bửu) lúc sinh thời đã được xếp vào danh sách bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ 20 (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi). Các lĩnh vực kinh doanh nổi bật nhất của ông là hàng hải, khai thác than và in ấn.
|
|
Đường Quan Hoa từ Cầu T11 (sát chung cư Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chạy men theo sông Tô Lịch đến ngã tư giao cắt với đường Cầu Giấy (trụ sở UBND quận Cầu Giấy). Con đường này dài 1.160m và rộng 15,5m.
|
|
Đường Nguyễn Xuân Nguyên (huyện Từ Liêm), đoạn từ phố Cao Xuân Huy (cạnh trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn) đến phố Hoài Thanh (trường Việt Mỹ), dài 800m, rộng từ 15-17m. Nguyễn Xuân Nguyên(1907 - 1975) là một giáo sư y khoa người Việt Nam. Ông từng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996 cho các đóng góp xuất sắc trong ngành nhãn khoa Việt Nam. Năm 1946 vị giáo sư quê Quảng Xương (Thanh Hóa) được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hải Phòng ngay trước cuộc kháng chiến chống Pháp.
|
|
Đường Từ Hoa (quận Tây Hồ) đoạn đường từ đầu ngõ 11 đường Xuân Diệu đến ngõ 1 đường Âu Cơ (lối rẽ vào chùa Kim Liên). Toàn tuyến có chiều dài 1.000m, rộng 8,5m-11,5m.
|
|
Phố Trung Kính sẽ được kéo dài thêm. Cụ thể từ số nhà 229 đến ngã tư giao cắt với phố Dương Đình Nghệ (gần Trung tâm văn hóa phường Yên Hòa). Đoạn này dài 270m, rộng 4m.
|
|
Đường Trần Kim Xuyến (quận Cầu Giấy) được đặt tên thay đường Trung Yên, kéo dài từ đoạn ngã tư phố Trung Hòa và Vũ Phạm Hàm (cạnh Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) đến điểm giao cắt với đường 30m (cạnh Công ty Cổ phẩn phát triển công nghệ EPOSI), dài 550m, rộng 20m. Trần Kim Xuyến là đại biểu Quốc hội khoá I của tỉnh Bắc Giang, là Đại biểu Quốc hội đầu tiên hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra ông còn là nhà báo, liệt sĩ đầu tiên của báo chí Cách mạng Việt Nam.
|
|
Phố Yên Lãng (quận Đống Đa) là đoạn đường từ số 220 phố Thái Hà đến số nhà 394 đường Láng, dài 684m, rộng 46m. Đây là phố sẽ có đường sắt trên cao, tuyến Cát Linh - Hà Đông đi qua. Hiện khu vực này vẫn chưa làm trụ đường, dải phân cách ở giữa làm bãi đỗ ô tô, xe máy.
|
Hà Nội
đường phố mới
hà nội
thủ dô
28 tuyến phố