Ở nội dung nữ, chân chạy sinh năm 2004, Lê Thị Tuyết về nhì với thành tích khoảng 2 giờ 49 phút. Tuyết dẫn đầu khi cuộc đua chạm mốc 31 km nhưng ở những km cuối cùng, VĐV của Indonesia bứt tốc để giành HCV.
Đây là lần đầu dự SEA Games của chân chạy từ Phú Yên. Thành tích của 2 giờ 49 phút của cô gái chỉ cao 1,46 m, nặng vỏn vẹn 37 kg kém 90 giây so với kỷ lục quốc gia chính Tuyết từng tạo ra tại đại hội TDTT toàn quốc diễn ra cuối tháng 12/2022.
Khi đó, Tuyết gây sốc với HCV và phá kỷ lục đại hội với thành tích 2 giờ 47 phút 30 giây. Tuy nhiên, đây vẫn là kết quả rất tích cực với VĐV mới 19 tuổi của Việt Nam.
Ở nội dung nam, Hoàng Nguyên Thanh không thể bảo vệ thành công HCV SEA Games khi chỉ về đích thứ ba với thành tích khoảng 2 giờ 36 phút, kém 11 phút so với thành tích của chính Thanh trên sân nhà một năm trước.
Nhiệt độ quá cao tại Campuchia (40 độ C) được xem là một nguyên nhân khiến hai niềm hy vọng vàng của marathon Việt Nam không thể cạnh tranh với các VĐV Indonesia. Một VĐV nhập tịch của nước chủ nhà thậm chí bỏ cuộc sớm vì sốc nhiệt.
Đoàn Việt Nam tới Campuchia tập huấn từ 19/4 để thích nghi với thời tiết nóng khô cùng nhiệt độ cao. Song việc nước chủ nhà Campuchia chỉ công bố đường chạy marathon chỉ 12 giờ trước khi nội dung khởi tranh có lẽ ảnh hưởng phần nào tới kế hoạch.
Triathlon Việt Nam cũng ra quân sáng 6/5. Tuy nhiên, ở cả hai nội dung nam và nữ, các VĐV Việt Nam không giành huy chương. HCV nội dung Aquathlon cá nhân nữ thuộc về Campuchia với VĐV nhập tịch Pháp Margot Garabedian. HCV nội dung nam thuộc về một VĐV Indonesia.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...