VĐV Adekoya Mujidat (bìa phải) rút thắng Quách Thị Lan (bìa trái) ở đợt chạy chung kết 400m nữ - Ảnh: N.K/Tuổi trẻ. |
Tính trong ba ngày thi đấu đầu tiên của môn điền kinh ở ASIAD (từ 27 đến 29/9), đã có 20 bộ huy chương được trao. Và trong 20 nội dung thi đấu này, có đến 7 HCV thuộc về những VĐV gốc châu Phi.
Phần đông họ là những VĐV nhập tịch từ châu Phi của các quốc gia vùng Trung Đông như Qatar, Bahrain, UAE... Một số VĐV này thậm chí còn rất nổi tiếng trên đấu trường quốc tế trước khi chuyển sang thi đấu cho các quốc gia châu Á nói trên.
Sau khi đoạt HCV nội dung 100 m nam, VĐV người Qatar sinh ra ở Nigeria Femi Ogunode cho biết sở dĩ anh rời khỏi đội Nigeria là bởi bị đối xử không công bằng. Anh nói thêm: “Điều đó không có nghĩa là tôi không yêu quê nhà, tôi thường xuyên trở về Nigeria để thăm ba mẹ tôi. Tôi cũng muốn cảm ơn người dân Qatar vì đã đón nhận và luôn ủng hộ tôi. Tôi luôn khát khao được thi đấu ở những đấu trường như ASIAD hay Olympic”.
Không những dễ dàng giành chiến thắng ở ASIAD 17, Ogunode còn phá luôn kỷ lục Á vận hội ở đường đua 100m với thành tích 9’’93. Trong lịch sử chưa từng có VĐV châu Á nào có thể hoàn thành đường đua 100m trong thời gian ít hơn 10 giây.
Các VĐV nhập tịch tương tự Ogunode cũng dễ dàng thiết lập sự thống trị của mình khi hầu như không có một tấm HCV nào vuột khỏi tay các VĐV gốc Phi ở những nội dung mà họ tham dự. Cụ thể, lần lượt các VĐV Mohammed Alia của UAE (nhập tịch từ Ethiopia), VĐV Jamal Yusuf của Qatar (nhập tịch từ Ethiopia) hay Mohamad Al-Garni (người Qatar gốc Morocco)... đều dễ dàng giành chiến thắng áp đảo ở những nội dung mà họ tham dự.
Trước sự thống trị tuyệt đối của các quốc gia vùng Trung Đông nhờ nhập tịch VĐV châu Phi, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích điều này. VĐV chạy 1.500m Kim Yong Gu người Hàn Quốc nói: “Hàn Quốc lẽ ra đã giành được nhiều thành tích hơn nếu những VĐV châu Phi này không thi đấu ở ASIAD”.
HLV Nguyễn Trọng Hổ của tuyển điền kinh VN cũng cho rằng việc nhập tịch VĐV ồ ạt của các đội tuyển điền kinh như Qatar, Bahrain đã gây khó khăn cho công tác huấn luyện của các quốc gia khác. Chẳng hạn ở nội dung 400m nữ, VĐV Quách Thị Lan của VN dù thi đấu xuất sắc nhưng vẫn phải ngậm ngùi xếp sau Adekoya Mujidat của Bahrain (nhập tịch từ Nigeria).
Ông Hổ nói: “Từ trước đến nay, tôi luôn lấy thành tích của VĐV Ấn Độ Mandeep Kaur (HCV ASIAD 16) ở nội dung 400m nữ làm mục tiêu nỗ lực cho Quách Thị Lan trong tập luyện. Nhưng đến khi tham dự Asiad 17, tôi mới biết có thêm VĐV Adekoya, người còn đáng gờm hơn hẳn Kaur”.
Trong cuộc họp báo diễn ra sáng 29/9 tại trung tâm báo chí ASIAD 17, phó chủ tịch Wei Jizhong của Hiệp hội Olympic châu Á (OCA) nói: “Một số quốc gia cần tránh tình trạng mua các VĐV thay vì đào tạo họ. Nếu cứ mải mua VĐV, họ sẽ bỏ phế việc đào tạo VĐV từ chính quốc gia mình. Đó là một điều bất hợp lý trong thể thao”.
Đáp lại, tổng giám đốc OCA Husain Al-Musallam người Kuwait nói: “Chúng ta chẳng có gì phải lo ngại. Những VĐV nhập tịch này sẽ giúp nâng cao tầm cỡ của thể thao châu Á. Những VĐV người châu Á sẽ nhìn vào họ và nỗ lực tập luyện nhiều hơn”.
Những VĐV gốc Phi đoạt HCV điền kinh ở Asiad 17
* Femi Ogunode (Qatar, nhập tịch từ Nigeria): nội dung 100m nam.
* Mohammed Alia (UAE, nhập tịch từ Ethiopia): nội dung 10.000m nữ.
* Jamal Maryam Yusuf (Qatar, nhập tịch từ Ethiopia): nội dung 1.500m nữ.
* Adekoya Mujidat (Bahrain, nhập tịch từ Nigeria): nội dung 400m nữ.
* Jebet Ruth (Bahrain, nhập tịch từ Kenya): nội dung 3.000m rào nữ.
* Mohamad Al-Garni (Qatar, người gốc Marocco): đoạt 2 HCV ở nội dung 1.500m nam và 5.000m nam.