Sáng 7/4, khi được hỏi liệu Ngân hàng thế giới (World Bank) có cho Việt Nam vay tiền xây dựng các công trình để phục vụ tổ chức ASIAD 18 hay không, Giám đốc Victoria Kwakwa lập tức trả lời: “Không. Chắc chắn là không”. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, việc Ngân hàng thế giới từ chối là điều dễ hiểu. Ông cũng khẳng định ý tưởng đi vay để tổ chức ASIAD là “điên rồ”.
“Nếu đi vay để tổ chức ASIAD 18 thì đó thực sự là sai lầm lớn nhất, liều mạng và thiếu trách nhiệm nhất. Nợ công của Việt Nam đang lớn, không thể đi vay để làm thể thao, lĩnh vực mà chắc chắn không thể thu hồi được vốn. Ngân hàng thế giới hay các tổ chức kinh tế khác chắc chắn cũng sẽ không cho Việt Nam vay để làm ASIAD bởi họ không vô trách nhiệm với đồng tiền của mình”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ.
Ông Phong cũng cho rằng ý tưởng xây các công trình phục vụ ASIAD xong bán lại cho người dân sử dụng để thu hồi vốn là không khả thi: “Nhiều người tính xây làng VĐV phục vụ cho ASIAD 18 xong chia lẻ làm căn hộ bán cho người dân sử dụng để thu hồi vốn. Đây là ý tưởng không khả thi, chắc chắn không thực hiện được. Hiện tại bất động sản tại Việt Nam đóng băng, không thể bán được như vậy. Các công trình khác cũng tương tự thế thôi”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định Việt Nam không nên vay tiền để tổ chức ASIAD. |
Ông Phong cũng chỉ ra những lý do khiến người ủng hộ, kẻ phản đối Việt Nam tổ chức ASIAD 18: “Có 3 lý do khiến dư luận phản đối việc Việt Nam đứng ra tổ chức ASIAD 18. Thứ nhất, họ cho rằng dự toán ban đầu 150 triệu USD mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra là không đủ. Qatar phải chi 2,8 tỷ USD cho ASIAD năm 2006. Quảng Châu 2010, riêng phần chi phí xây dựng làng VĐV là 2,45 tỷ USD và tổng kinh phí Trung Quốc phải bỏ ra gần 20 tỷ USD. Đến Incheon 2014, Hàn Quốc cũng dự tính chi 1,62 tỷ USD. Thứ hai, thông thường các quốc gia tổ chức ASIAD thường lỗ lớn. Thứ ba, trong bối cảnh Việt Nam đang khó khăn thì việc huy động tài chính lớn để tổ chức ASIAD là không nên.
Những người ủng hộ tổ chức ASIAD 18 thì cho rằng 80% các công trình thể thao của Việt Nam vẫn đang dùng được, chỉ cần tu bổ chút là có thể phục vụ ASIAD. Cái thứ hai, quan trọng nhất là khả năng xã hội hóa. Có thể cắt các dịch vụ để bán đấu giá, tổ chức thu hút vốn từ xã hội để lấy tiền tổ chức ASIAD. Ngoài ra, còn có thể thu hút tiền từ du lịch và một số nguồn khác.
Thời điểm này không ai dám trả lời câu hỏi Việt Nam nên hay không nên tổ chức ASIAD 18 một cách dứt khoát. Ngay cả Thủ tướng cũng chưa khẳng định, chỉ chỉ đạo là phải nghiên cứu và báo cáo.Theo tôi cần phải lập một đơn vị tương đối khách quan và liên ngành, đánh giá thực sự nhu cầu trên tinh thần thực tế, không phô trương và không khai khống. Xác định đúng số tiền cần để tổ chức rồi mới có thể đưa ra quyết định nên hay không nên đăng cai ASIAD. Hiện tại người nói số tiền ít, kẻ nói tiền nhiều, chưa có cơ sở khoa học”.