Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vay ngân hàng 20 tỷ đồng, mỗi tháng phải trả lãi bao nhiêu?

Để vay tín chấp 20 tỷ đồng sẽ cần có thu nhập 3-5 tỷ đồng/tháng, trong khi để vay thế chấp 10 năm, cá nhân ấy sẽ phải trả cho ngân hàng 10 triệu đồng/ngày trong năm đầu tiên.

Dư luận những ngày gần đây đang rất quan tâm tới việc một cán bộ công chức Nhà nước tại tỉnh Yên Bái cho biết đã phải vay 20 tỷ đồng từ ngân hàng để xây nhà trên khu đất đồi có diện tích 13.000 m2.

Nhiều người cho rằng với lương, thu nhập của một cán bộ công chức Nhà nước khó có thể đáp ứng được khoản lãi và gốc phải trả hàng tháng đối với khoảng dư nợ 20 tỷ đồng. Thậm chí, điều kiện để một cá nhân có thể được giải ngân 20 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại cũng rất khó khăn.

Vay tín chấp 20 tỷ đồng, thu nhập phải 3-5 tỷ đồng/tháng

Chuyên gia tài chính phân tích, theo quy định tại các ngân hàng thương mại hiện nay, một cá nhân có thể vay ngân hàng qua 2 hình thức là vay tín chấp và vay thế chấp.

Đối với hình thức vay tín chấp, người vay làm công chức Nhà nước phải có mức lương từ 5 triệu đồng/tháng trở lên, mức lãi suất tín chấp dao động trong khoảng 0,7-1%/tháng. Tuy nhiên với hình thức này số dư nợ được phép vay sẽ phụ thuộc vào mức lương và thu nhập hàng tháng.

Người muốn vay tín chấp 10 triệu đồng phải có mức thu nhập nào đó đủ điều kiện. Số tiền vay càng lớn thì thu nhập cũng phải tỷ lệ thuận. Đối với khoản vay 20 tỷ đồng, dòng tiền thu nhập mỗi tháng phải dao động trong khoảng 3-5 tỷ đồng/tháng.

Vay thế chấp, mỗi ngày phải trả 10 triệu đồng trong năm đầu tiên

Đối với hình thức vay thế chấp, người vay có thể thế chấp nhà đất hoặc ôtô và người vay phải đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng. Khoản dư nợ sẽ được giải ngân theo thẩm định giá trị khối tài sản thế chấp. Trung bình tại các ngân hàng hiện nay giá trị giải ngân dao động trong khoảng 50-90% giá trị tài sản thế chấp.

Trao đổi với Zing.vn, cán bộ quản lý nợ tại một ngân hàng TMCP lớn cho biết để một cá nhân là công chức Nhà nước được giải ngân 20 tỷ đồng tại ngân hàng thì bắt buộc phải có tài sản thế chấp.

Vay 20 ty ngan hang se phai tra lai bao nhieu tien anh 1
Tính toán lãi và gốc người vay phải trả trong năm đầu tiên với khoản vay 20 tỷ đồng trong 10 năm và lãi suất 10%/năm.

Với tỷ lệ giải ngân trên tài sản thế chấp tại các ngân hàng thương mại hiện nay 50-90% giá trị tài sản, khối tài sản thế chấp này bắt buộc phải có giá trị từ 22 đến 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay cá nhân tại một số ngân hàng hiện dao động trong khoảng 10-13%/năm.

Nếu vay trong vòng 10 năm, số tiền gốc phải trả mỗi tháng của người này lên tới 166,7 triệu đồng, cộng với khoản lãi 166,7 triệu đồng nếu lãi suất cho vay 10%/năm.

Tổng cộng cả lãi và gốc phải trả trung bình trong những tháng đầu vào khoảng 333,3 triệu đồng, tương đương mỗi ngày cá nhân này sẽ phải thanh toán hơn 11 triệu đồng tiền ngân hàng.

Nếu khoản vay có hạn mức 20 năm, tiền gốc phải trả hàng tháng 83,3 triệu đồng, lãi phải trả hàng tháng trong năm đầu tiên khoảng 195,4 triệu đồng. Tổng cộng trong năm đầu tiên số tiền người vay phải thanh toán hàng tháng là 275 triệu đồng, tương đương 9 triệu đồng/ngày.

Vay ngân hàng 20 tỷ, tài sản đảm bảo phải 28 tỷ

Trao đổi với Zing.vn, TS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho biết dù đối tượng vay vốn ngân hàng là người dân thường hay cán bộ công chức Nhà nước đều phải tuân theo Luật vay vốn tín dụng ngân hàng trong luật các TCTD 2010 và các thông tư liên quan, tập trung vào 4 điều kiện tối thiểu.

“Thứ nhất, tài sản thế chấp thông thường các ngân hàng hiện nay chỉ cho vay khoảng 70% giá trị. Tài sản thế chấp 100 đồng chỉ cho vay 70 đồng là hết mức. Dù có thân quen hay lịch sử tín dụng tốt cũng chỉ lên đến 80-90 đồng. Vì vậy, ông Quý (Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái) vay được 20 tỷ đồng thì phải xem lại tài sản thế chấp là bao nhiêu tiền.

Thứ hai là phải xem lại dòng tiền thu nhập hàng tháng có đủ để trả nợ lãi vay cho khoản 20 tỷ đồng này hay không. Thứ ba là mục đích vay vốn. Ví dụ như xin vay vốn để nuôi gà nuôi lợn, trồng cây cảnh… thì vay phải làm đúng mục đích.

Và cuối cùng là quản lý sau khi cho vay. Sau khi đã vay vốn, vấn đề đáp ứng tài sản thế chấp, khả năng trả nợ ra sao cũng phải được làm rõ”, ông Tín cho biết.

Chuyên gia này cũng chia sẻ thêm với khoản vay 20 tỷ đồng tại ngân hàng như lời ông Phạm Sỹ Quý, thì tài sản mang ra thế chấp của ông này phải vào khoảng 28 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu ông Quý vay tín chấp thì ông phải chứng minh được dòng tiền với giá trị tương đương.

Nếu vay tín chấp hàng chục tỷ đồng thì thu nhập hàng tháng cũng phải dao động trong khoảng vài tỷ đồng.

Trả lời báo chí ngày 29/6, ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết ông phải vay ngân hàng 20 tỷ đồng để xây biệt phủ và trang trại.

 Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho biết Thanh tra Chính phủ sẽ yêu cầu giải trình khoản vay 20 tỷ để xây biệt thự của gia đình ông Phạm Sỹ Quý. 

“Nguồn gốc tài sản họ (gia đình ông Quý) giải trình như thế nào phải có cơ sở, vay ngân hàng cũng phải có cơ sở, thuộc trách nhiệm phải giải trình” ông Đạt nói.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm