Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vật liệu xây dựng ăn theo bất động sản

Cùng với sự sôi động của thị trường bất động sản, lượng tiêu thụ vật liệu xây dựng từ đầu năm đến nay tăng khoảng 25%-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) tăng mạnh từ đầu năm nhưng giá lại liên tục giảm. Các chuyên gia nhận định, từ nay đến cuối năm, giá các loại VLXD sẽ còn giảm thêm, vì thép và một số nguyên vật liệu giá rẻ từ Trung Quốc sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam.

Giá vật liệu giảm phần nào ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất nhưng ngược lại các nhà thầu, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Sản lượng kỷ lục

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, 7 tháng đầu năm, sản lượng bán hàng của công ty đạt 785.000 tấn thép các loại, tăng đến 52% so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường miền Trung và miền Nam đóng góp trên dưới 100.000 tấn mỗi miền.

Thị phần thép của Hòa Phát cũng tăng trưởng tốt, trong đó khu vực dân dụng chiếm tới gần 60% tổng sản lượng bán hàng. Hay Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), đơn vị chiếm thị phần lớn trên thị trường tôn thép, cho biết, sản lượng tiêu thụ 9 tháng đầu năm 2015 niên độ tài chính 2014 - 2015 của tập đoàn đạt 900.000 tấn, tăng khoảng 17% so cùng kỳ.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 7/2015, các doanh nghiệp thành viên VSA sản xuất tới gần 613.000 tấn thép xây dựng, tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm 2014. Đây được xem là mức kỷ lục của ngành thép trong 10 năm trở lại đây sau một thời gian dài gặp khó khăn, do thị trường bất động sản ế ẩm. Tính chung 7 tháng đầu năm, các thành viên của VSA bán ra trên 3,57 triệu tấn thép các loại, tăng gần 30% so cùng kỳ năm 2014.

Lượng thép tiêu thụ mạnh nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn lo ngại khó cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc. (Ảnh chụp tại một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Lượng thép tiêu thụ mạnh nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn lo ngại khó cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc. (Ảnh chụp tại một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP HCM).

Một số doanh nghiệp nhận định, tăng trưởng của ngành VLXD đã ăn theo bất động sản và tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp chuyên cung cấp trần thạch cao cho các công trình xây dựng tại TP HCM, cho biết, từ đầu năm đến nay, tốc độ tiêu thụ trần thạch cao của công ty tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài việc “ăn theo” thị trường bất động sản thì trần thạch cao đang được chuộng vì tiện trong việc trang trí, làm văn phòng...

Tuy vậy, giá bán các loại vật liệu này không những không tăng mà còn giảm vài chục nghìn đồng/m2 so với trước. Hiện trần thạch cao loại tốt của công ty chỉ từ 150.000 đồng/m2. “Trong thời gian tới, dù thị trường có tiêu thụ tốt thì giá cũng khó có khả năng tăng trở lại”, trưởng phòng này nhận xét.

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TM-DV Thép Khương Mai, doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thép, cho biết, từ đầu năm đến nay, tiêu thụ thép công nghiệp của công ty tăng khoảng 25%-30% nhưng giá nhập khẩu cũng giảm tương ứng, từ 11,5 triệu đồng một tấn xuống còn 8 triệu đồng một tấn. Theo ông Khương, thời gian tới, có thể giá thép tiếp tục đứng, vì đồng nhân dân tệ và giá xăng dầu đều giảm.

Lo thép Trung Quốc làm mưa làm gió

Vấn đề lo ngại của các doanh nghiệp VLXD lúc này là thép Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào, sau khi giá đồng nhân dân tệ giảm mạnh khiến giá nhập khẩu giảm theo. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 8/2015, Việt Nam đã nhập 9,215 triệu tấn thép, trị giá 4,832 tỷUSD. Đơn giá nhập khẩu sắt thép các loại bình quân trong 7 tháng đầu năm 2015 giảm 21,3%. Đặc biệt, trong số đó, sắt thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam với lượng nhập lên đến 5 triệu tấn, chiếm 60%. Đại diện Ban Chấp hành VSA, cho rằng, việc thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam có thể khiến người tiêu dùng được lợi nhưng các doanh nghiệp sẽ rất khó cạnh tranh.

Ông Đỗ Duy Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết thép Trung Quốc thực chất đã tràn vào Việt Nam lâu nay, bằng cách “núp bóng” thép hợp kim có chứa chất Bo (Boron). Đây thực chất là gian lận thương mại trắng trợn mà các cơ quan quản lý chưa có hình thức ngăn chặn triệt để, gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước.

“Thép Trung Quốc chỉ cần ghi có hợp kim Bo nhưng với hàm lượng rất nhỏ (chỉ chứa 0,008%) sẽ được miễn thuế 15%. Thép này nhập về luôn bán thấp hơn giá thép trong nước 1 triệu đồng một tấn khiến doanh nghiệp trong nước sản xuất ra nhiều nhưng không tiêu thụ hết, làm dư thừa ở mức cao”, ông Thái nêu.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp thép cho biết, do dòng thép có hợp kim Bo chủ yếu là thép tấm dùng trong công nghiệp, các doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được nên theo quy định có thuế suất 0% khi nhập khẩu. Các nhà nhập khẩu lợi dụng quy định này để đưa thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam mà nhà nước chưa có chế tài xử lý.

Theo ông Thái, chỉ cần Chính phủ áp dụng chế tài phân loại thép nào cần có hợp kim. Ví dụ thép trong chế tạo máy bay, đóng tàu nên có, còn thép xây dựng thông thường thì không cần có để Trung Quốc không còn cạnh tranh, phá giá làm khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Cửa hàng nhỏ vắng khách

Khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động ở các cửa hàng VLXD trên đường Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt (quận 10, quận 11, TP HCM) cho thấy, không khí mua sắm trong tháng 7 âm lịch khá vắng vẻ.

Ông Hiền, nhân viên cửa hàng VLXD Thành Tâm trên đường Lý Thường Kiệt, cho biết, do đang trong “tháng cô hồn”, rất ít công trình khởi công xây dựng, việc buôn bán khá ế ẩm, chủ yếu là khách đến lấy hàng cho các công trình cũ hoặc một số khách hàng đi khảo giá để chuẩn bị cho mùa xây dựng cuối năm.

Các cửa hàng đều cho biết, thị trường VLXD dân dụng năm nay khởi sắc hơn những năm trước, nhưng thực chất chỉ chiếm một tỷ trọng rất ít trong bức tranh chung của toàn thị trường. Các công trình lớn, dự án bất động sản lớn mới là tâm điểm thu hút sản lượng của ngành VLXD trong thời gian gần đây.

Nhận nhà thô, mua bực mình vào người

Chấp nhận mua nhà xây thô vì muốn tiết kiệm chi phí, nhưng nhiều khách hàng đang rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" khi phải mất thêm chi phí "khủng" để hoàn thiện.

http://nld.com.vn/kinh-te/vat-lieu-xay-dung-an-theo-bat-dong-san-20150901221009726.htm

Theo Sơn Nhung/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm