Luôn có những tranh cãi được nổi lên trong bóng đá, và sự ra đời của công nghệ trọng tài video (viết tắt: VAR) để nhằm mục đích giải quyết những vấn đề đó. Có thể nói, VAR đã gây ra rất nhiều cuộc tranh cãi kể từ khi nó được áp dụng tới nay.
Công nghệ này đang được sử dụng tại World Cup lần đầu tiên sau khi thử nghiệm ở một số giải đấu của châu Âu suốt một năm qua. Nhiệm vụ của nó là thông báo cho các trọng tài trên sân biết khi họ quyết định sai trong việc công nhận một bàn thắng, một quả phạt đền hoặc một chiếc thẻ đỏ. Dù vậy, nó cũng chỉ là một chỉ dẫn tương đối mơ hồ.
World Cup 2018 là lần đầu tiên VAR được áp dụng ở một giải đấu lớn sau hàng loạt những tranh cãi trước đó. |
Tính đến nay, VAR thường xuyên can thiệp khi các cầu thủ ngã ra trong vòng cấm. Nhưng trọng tài vẫn im lặng khi các cầu thủ bị kéo áo hoặc giữ tay, bởi cả 2 đều chỉ được coi là phạm lỗi nếu "sử dụng lực tác động lớn".
Người hâm mộ, các chuyên gia và cầu thủ đã tranh cãi rất nhiều về những trận đấu có tình huống thổi phạt đền. Một số người cho rằng toàn bộ video phát lại là một sự lãng phí thời gian bởi tính chủ quan của các luật lệ.
Trong đó, Carlos Queiroz, HLV trưởng đội tuyển Iran, đã cáo buộc các trọng tài về "kiến thức về bóng đá" sau khi đội bóng của ông có một bàn thắng hợp lệ nhưng không được công nhận vì lỗi việt vị.
Các cổ động viên khác thì cho rằng VAR đủ khả năng để nhận ra những sai lầm. Nhiều quan chức tại Đức và Ý, 2 trong số các quốc gia thử nghiệm công nghệ này ở giải đấu của họ, đã thừa nhận VAR vẫn bỏ qua một số lỗi, nhưng về cơ bản đã giảm những sai sót đến 80%.
Tương tự, theo báo cáo của Hiệp hội Bóng đá Quốc tế (IFAB), chỉ có 1,1% các quyết định được thực hiện nhờ sự trợ giúp của VAR là sai, thấp hơn nhiều so với 7% khi không có công nghệ này. Hơn nữa, các video phát lại chỉ chiếm 1% thời gian của trận đấu thay vì 28% đối với những quyết định tạm dừng.
Có một điều mà hầu như người hâm mộ bóng đá nào cũng đồng ý, đó là VAR đang góp phần làm gia tăng đáng kể các quả phạt đền. Sau 32 trận đấu tại World Cup, các trọng tài đã thổi tới 16 quả penalty, gấp đôi tỷ lệ bình thường. 6 trong số đó đã được đưa ra sau khi có sự can thiệp của công nghệ VAR.
Tuy nhiên, khi The Economist tiến hành điều tra tại 6 quốc gia thử nghiệm công nghệ VAR, bao hồm Đức, Italy, Bồ Đào Nha, Mỹ, Australia và Hàn Quốc, họ không nhận ra được sự gia tăng một cách đột biến. Điều đó chứng tỏ, cứ mỗi quả penalty được chỉ ra từ VAR, lại có 1 quả khác bị từ chối.
Tại World Cup, chỉ có một quyết định được đảo ngược tính đến nay. Đó là trường hợp của Neymar trong trận đấu với Costa Rica. Sau khi tham khảo băng quay chậm, trọng tài chính cho rằng lực tác động là không đủ để cầu thủ này ngã trong vòng cấm.
Quyết định thổi phạt penalty duy nhất bị đảo ngược sau khi trọng tài tham khảo công nghệ VAR tính đến nay tại World Cup. |
Tất cả điều này cho thấy một sự gia tăng của các quả phạt đền gần đây tại World Cup, từ mức trung bình 4 trận/quả cho đến 2 trận/quả. Nguyên nhân là do sự bất cẩn ở những pha bóng trong khu vực 16 m 50.
Một số người cho rằng VAR có thể làm giảm xu hướng thiên vị đội chủ nhà của các trọng tài, khi áp lực tới từ đám đông cổ động viên là rất lớn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bằng chứng cho thấy sự thiên vị ấy là có thật.
Sự ra đời của VAR trong các giải đấu ở Italy quả thật đã giảm đi những quả phạt đền có lợi cho đội nhà, song mô hình đó không được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia. Điều này cho thấy, khi có một quả penalty được thổi, những trọng tài trong phòng video cũng không khác gì đồng nghiệp ở dưới sân, vẫn có khả năng thiên vị cho đội chủ nhà.