Một trong những sự khác biệt lớn nhất của ngày hội bóng đá tại Nga 2018 so với các kỳ World Cup trước, đó là việc đưa vào áp dụng công nghệ Video Assistant Referee (VAR) - công nghệ video hỗ trợ trọng tài.
Khi FIFA chính thức "phê chuẩn" để VAR "tham dự" World Cup năm nay, người hâm mộ hi vọng công nghệ này sẽ giúp trọng tài đưa ra quyết định công bằng nhất để tìm ra đội bóng xứng đáng giành chiến thắng.
Giải quyết các tình huống xứng đáng hưởng penalty
Một trong những tình huống được trọng tài sử dụng VAR nhiều nhất là khi các cầu thủ bị phạm lỗi trong vòng cấm. Lần đầu tiên công nghệ này được sử dụng tại vòng chung kết World Cup năm nay là trong trận đội tuyển Pháp gặp Australia.
VAR được trọng tài sử dụng lần đầu tiên trong trận Pháp gặp Australia. Ảnh: Getty. |
Antoine Griezmann ngã trong vòng cấm, nhưng trọng tài Andres Cunha không lập tức cắt còi ngay. Thay vào đó, sau khi tình huống trôi qua, tổ trọng tài điều khiển trận đấu mới quyết định sử dụng công nghệ VAR để xem lại băng quay chậm tình huống. Kết quả, Pháp được hưởng một quả phạt đền và chính Griezmann ghi dấu ấn trên chấm 11 m.
Điều tương tự cũng xảy đến trong trận Croatia thắng Nigeria 2-0. Mandzukic bị William Troost-Ekong phạm lỗi, nhưng trọng tài cũng phải nhờ đến VAR mới có thể xác nhận tình huống này và rút ra một chiếc thẻ vàng cho trung vệ của "Đại bàng xanh", đồng thời cho Croatia được hưởng 1 quả phạt đền.
Kém may mắn hơn là câu chuyện của Peru. Tiền đạo Cueva bị cầu thủ Đan Mạch đốn ngã trong vòng cấm, sau khi tham khảo VAR, đại diện Nam Mỹ được hưởng phạt đền. Nhưng trên chấm 11 m, chính Cueva đã dứt điểm thẳng lên trời, chung cuộc khiến đội nhà trắng tay trước Đan Mạch.
Có thể thấy, VAR đang đóng vai trò hiệu quả cho việc phát hiện các tình huống xứng đáng nhận penalty bị trọng tài bỏ lỡ. Rõ ràng, việc phạm lỗi trong vòng cấm hết sức "nhạy cảm" với cả 2 đội bóng và các CĐV. Trọng tài ý thức rất rõ điều này, thế nên đa phần các tình huống sử dụng VAR vừa qua đều xác nhận có hay không một quả penalty.
Vì lẽ đó, penalty xuất hiện nhiều hơn ngay từ loạt trận đầu vòng bảng.
Trọng tài đang sử dụng VAR chưa linh hoạt
Một trong những lần hiếm hoi trọng tài cắt còi không phải vì penalty, đó là trong trận Costa Rica 0-1 Serbia.
Sau tình huống phạm lỗi đánh nguội của tiền vệ Prijovic với cầu thủ Costa Rica cuối trận, trọng tài chính Diedhiou xem lại băng ghi hình và rút thẻ vàng phạt cầu thủ Serbia.
Có thể nói, VAR tại World Cup đã hoàn thành khá tốt vai trò "trợ lý" của mình cho các vị vua áo đen. Nhưng đó là nhận xét trước khi trận đấu giữa Brazil và Thụy Sĩ diễn ra, mà cụ thể là tình huống dẫn đến bàn thắng của Steven Zuber bên phía đội bóng châu Âu.
Zuber ghi bàn thắng gỡ hoà vào lưới Brazil. Ảnh: Reuters. |
Trong tình huống này, tiền vệ của Thụy Sĩ đã có pha đẩy người từ phía sau với Miranda nhưng trọng tài Cesar Ramos từ chối sử dụng VAR.
Nhận xét về bàn thắng gây tranh cãi nói trên, cựu hậu vệ Gary Neville lừng danh một thời của Manchester United nói: "Nếu ngày xưa chưa có VAR, trọng tài chỉ có thể nhận ra đó là tình huống phạm lỗi khi xem lại băng quay chậm sau trận đấu. Thế nhưng khi bây giờ đã có VAR, trọng tài có thể tham khảo ngay trên sân và phát hiện có pha đẩy người. Chỉ cần xem lại là sẽ thấy điều đó quá rõ ràng".
Ngay sau bàn thắng, các cầu thủ của Brazil đã yêu cầu trọng tài sử dụng VAR để xem lại tình huống, thế nhưng ông Cesar Arturo Ramos đã từ chối.
Vậy VAR liệu đã thực sự sử dụng đúng với vai trò đảm bảo sự công bằng trong trận đấu, hay đơn giản vẫn chỉ là một lựa chọn cá nhân của trọng tài?
Nếu như vậy, việc trọng tài không nhận ra tình huống phạm lỗi khi chưa có VAR, với việc từ chối xem lại tình huống qua VAR, là như nhau.
Cần thời gian để thích nghi
Trả lời cho câu hỏi đề bài: Vậy VAR có thể đem đến công bằng cho bóng đá hay không? Câu trả lời là có.
Tất nhiên, công nghệ không bao giờ sai, không thể bị đánh lừa. Nhưng chính những người sử dụng công nghệ mới định đoạt sự công bằng mà VAR có thể đem lại.
Theo phân tích của trọng tài kỳ cựu Clattenburg giải Ngoại hạng Anh, sau khi có bàn thắng, trọng tài video là người sẽ được xem lại tất cả góc quay chi tiết tình huống đó và không coi pha đẩy người của cầu thủ Thụy Sĩ là phạm lỗi.
"Thế nhưng, với tư cách là trọng tài chính, tôi sẽ ra ngoài đường pitch để tham khảo VAR như cách trọng tài đã làm trong trận Costa Rica và Serbia. Ít nhất thì điều đó cũng cho phép trọng tài một lần nữa đánh giá lại tình hình, khi mà tình huống đó đã được chiếu lại trên màn hình lớn ở sân và các cầu thủ Brazil đều nhìn thấy rõ đó là một tình huống đẩy người", ông cho biết.
Trên thế giới, công nghệ hỗ trợ trọng tài đã trở nên phổ biến với rất nhiều môn thể thao như bóng bầu dục, bóng rổ, khúc quân cầu, rugby và quen thuộc nhất với khán giả Việt Nam là tennis.
Tại đây, chính vận động viên mới là người có quyền đưa ra quyền khiếu nại, yêu cầu trọng tài xem lại băng ghi hình về những tình huống gây tranh cãi. Sự chủ động thuộc về phía người chơi, chứ không phải từ phía trọng tài xem có cần phải quyết định lại tình huống hay không.
Còn đối với bóng đá, từ xưa đến nay luôn được coi là môn thể thao vua nhưng lại chỉ mới thông qua VAR kể từ năm 2016 và lần đầu tiên chính thức áp dụng là tại World Cup 2018. Các trọng tài thế giới sẽ phải cần nhiều thời gian thích nghi hơn, trước khi thực sự đảm bảo tính "công bằng" cho bóng đá.