Cá trong hồ nước ở sân bay Biên Hòa bị nhiễm dioxin nặng nhưng nhiều người vẫn dùng lưới, kích điện bắt hàng chục kg mang về ăn, bán cho người dân.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33), sân bay Biên Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai) là nơi có mức độ nhiễm dioxin cao nhất cả nước. Trong thời gian từ năm 1966 - 1970, sân bay này là nơi Mỹ chứa 98.000 thùng (loại 205 lít/thùng) chất độc da cam, 45.000 thùng chất xanh và 16.300 thùng chất trắng để phục vụ chiến tranh.
Trong hai năm 1969 - 1970, sân bay xảy ra 4 sự cố rò rỉ chất diệt cỏ với số lượng trên 25.500 lít chất da cam và chất trắng. Hiện tại, có 94.000 m3 đất trong sân nhiễm dioxin đã được Bộ Quốc phòng cô lập. Tuy nhiên mẫu đất, trầm tích, sinh vật ở hồ trong sân bay vẫn bị nhiễm dioxin với nồng độ cao. Tại địa điểm này, nhà chức trách đã đặt bảng cảnh báo nguy hiểm.
Tôm cá tại hồ nhiễm dioxin gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng nhưng nhiều người vẫn tìm cách vào hồ đánh bắt. Họ tháo gỡ thép gai của hàng rào sân bay cao 2 m rồi dùng cây làm "thang" để ra vào.
Những người đánh cá đến hồ nhiễm dioxin với các dụng cụ như lưới, vợt cá, kích điện... "Ngày lễ, cuối tuần có nhiều người từ nơi khác đến hồ đánh bắt. Chúng tôi nhiều lần khuyên nhủ đừng ăn cá, tôm đó nhưng họ vẫn đánh bắt", một người dân sống gần sân bay cho biết.
Sáng 29/11, có khoảng 20 người của nhiều nhóm khác nhau cùng tràn vào hồ...
Họ sử dụng lưới, vợt, kích điện để đánh bắt hải sản.
Theo người dân gần khu vực sân bay, thủy sản trong vùng nước nhiễm dioxin là cá tự nhiên gồm các loại rô phi, lóc, trê... Lực lượng chức năng nhiều lần can thiệp, yêu cầu những người đánh cá ra khỏi hồ nhưng không thay đổi được tình hình.
Nhóm người ở Bình Dương chuyển các bao tải chứa cá ra ngoài hàng rào sau 2 giờ đánh bắt.
Một số người được phân công chở cá đi tiêu thụ trong khi những người còn lại tiếp tục bám hồ bắt cá.
Khoảng 15h ngày 29/11, nhóm 10 người đưa cá về khu nhà trọ tại khu phố Tân Thắng, phường Tân Bình (thị xã Dĩ An, Bình Dương) chia nhau. Một người trong nhóm cho biết, họ bắt được gần 100 kg cá trong ngày.
Số cá bắt tại hồ nhiễm dioxin trong sân bay Biên Hòa được họ dùng để ăn và bán cho người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Mỹ Hằng, Trưởng phòng hợp tác Quốc tế - Ban chỉ đạo 33 cho biết: “Từ 2012 ban chỉ đạo 33 đã thực hiện các biện pháp truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thực trạng nhiễm dioxin trong sân bay Biên Hòa. Các cơ quan chức năng của Đồng Nai tiếp tục thực hiện tuyên truyền. Ban chỉ đạo 33 khuyến cáo, không khai thác, sử dụng thủy hải sản trong sân bay này”.
Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đồng Nai kiến nghị: “Các ngành liên quan phải có biện pháp ngăn cản người dân bắt và sử dụng hải sản trong hồ sân bay để tránh nguy hiểm”.
Theo Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, người phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin sẽ bị giảm tuổi thọ (kể cả con cái họ), bệnh ung thư, bệnh bạch cầu, đa u tỷ, parkinson, tim thiếu máu, dị tật cơ bắp, bại liệt...
Sân bay Biên Hòa lưu giữ hơn 98.000 thùng (205 lít/thùng) chất da cam, 45.000 thùng chất trắng, 16.000 thùng chất xanh được quân đội Mỹ sử dụng phục vụ cho chiến tranh.
Không chỉ cháu bé hoàn toàn khỏe mạnh, người mẹ bất hạnh kia còn là kẻ lừa đảo có tiếng ở địa phương, đang bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Nam theo dõi.
Bốn lần sinh con là 4 lần chị Diễn đau như cắt da thịt vì các con không trọn vẹn hình hài. Đứa thì chân mềm như bún, muốn đi phải lết; đứa lại không ngồi dậy được muốn đi phải lăn.