Vàng giảm nửa triệu, chênh lệch mua bán vẫn 800.000 đồng
Động thái dè dặt của các điểm kinh doanh tái diễn trong phiên 3/7 khi neo giá bán đắt hơn mua 800.000 đồng/lượng dù kim loại này quay đầu giảm.
Chốt ngày 2/7 tại 36,85-37,55 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC tiếp tục để mất tiếp gần 500.000 đồng/lượng trong phiên mở cửa sáng nay. Tại công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn-SJC, bảng giá đầu ngày là 36,3 triệu đồng/lượng, còn bán ra 37,1 triệu đồng/lượng. Chiều thu gom mấy 550.000 đồng so với hôm qua còn chiều bán thấp hơn 450.000 đồng. Chênh lệch mua bán vẫn được các điểm kinh doanh neo cao ở 800.000 đồng.
Lượng giao dịch trong nước những ngày vừa qua có phần giảm nhiệt so với tuần trước – khi giá vàng bùng bổ. Đại diện một công ty kinh doanh vàng bạc tại Hà Nội cho biết, hiện tượng người dân xếp hàng mua đã giảm bớt, không còn “nóng” như thời điểm giá mới rơi về vùng 36-37 triệu đồng/lượng, song số khách đi mua vẫn nhiều hơn đi bán.
Chênh lệch mua bán vàng vẫn cao lên tới 800.000 đồng/lượng dù giá đã giảm sâu so với hôm qua. |
Diễn biến của thị trường quốc tế, kim loại này vẫn đang đà tiến lên mốc 1.250 USD/ounce, tăng lên hơn 40 USD so với mức đáy 1.200 USD cách đây vài phiên. Chốt phiên 2/7, vàng giao tháng 8 trên sàn Comex giảm 1% xuống còn 1.243,4 USD/ounce trước động thái chờ tình hình sức khỏe Mỹ qua báo cáo việc làm của Mỹ công bố trong 2 ngày sắp tới của các nhà đầu tư.
Động thái xả vàng ra vẫn xuất hiện tại một số quỹ đầu tư lớn. SPDR Gold Trust có phiên bán ra thứ hai trong tháng 7, với khối lượng 3,6 tấn vào hôm 2/7, nâng con số bán ra từ đầu năm lên hơn 386 tấn, tương đương với 33,4 tỷ USD.
Trong khi giá vàng trầm lại, thì ở thị trường ngoại hối, USD có dấu hiệu tăng nhiệt. Các ngân hàng niêm yết giá bán ra sát trần 21.246 đồng/USD trong khi những ngày trước dó chỉ khoảng 21.220 đồng/USD. Ở “phố đôla” Hà Trung, giá USD tự do vẫn ở vùng 21.300-21.400 đồng/USD trong những ngày gần đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Lan Anh
Theo Infonet