Trái ngược với diễn biến tăng nóng chiều qua (24/2), giá vàng trong nước phiên chiều nay (25/2) đã được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm mạnh, hiện phổ biến xuống dưới mốc 47 triệu đồng/lượng.
Vàng giảm về mốc 47 triệu đồng
Tính đến 16h20, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng khu vực TP.HCM ở mức 46,5 triệu đồng/lượng (mua) và 47,4 triệu đồng/lượng (bán). So với chiều qua, giá vàng tại đây đã giảm 1,3 triệu đồng mỗi lượng ở chiều mua và 1,6 triệu ở chiều bán.
Đà giảm mạnh của vàng phiên chiều nay đã cuốn hơn 60% mức tăng của phiên liền trước.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC cũng giảm tương ứng, hiện bán ra ở mức 47,42 triệu đồng/lượng.
Không riêng SJC, hầu hết doanh nghiệp trong nước hôm nay đã giảm mạnh giá bán vàng.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã giảm 1,7 triệu đồng chiều mua vào và 2,45 triệu đồng ở chiều bán ra, hiện niêm yết ở mức 46-46,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng thương hiệu DOJI cũng đã giảm tương ứng xuống dưới mốc 47 triệu đồng/lượng so với trên 49 triệu đồng/lượng hồi chiều qua.
Sau một ngày tăng nóng nhiều doanh nghiệp đã giảm gần 3 triệu đồng/lượng vàng miếng. Ảnh: Việt Hùng. |
Thậm chí, với giá bán ra vàng miếng ở mức 47 triệu đồng, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Phú Quý đã giảm 2,5 triệu mỗi lượng so với mức 49,5 triệu đồng/lượng vào chiều qua.
Tương tự, giá vàng tại Bảo Tín Minh Châu và Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đã giảm 2 triệu xuống vùng giá 47 triệu đồng, giá mua vào cũng giảm xuống 46 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua bán tại nhiều doanh nghiệp đã được thu hẹp xuống dưới 1 triệu đồng. Như vậy, những người mua vàng tại giá đỉnh 49 triệu đồng chiều qua đến hôm nay đang chịu khoản lỗ hơn 3 triệu đồng.
Trên thị trường quốc tế, vàng giao ngay tại sàn Kitco sau khi tăng sát mốc 1.690 USD/ounce vào chiều qua đã giảm mạnh về vùng 1.638 USD/ounce, hiện đã phục hồi lại lên mức 1.655 USD.
Quy đổi ra tiền Việt, vàng thế giới có giá khoảng 46,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn 500.000-700.000 đồng so với trong nước.
Có dấu hiệu đầu cơ vàng
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, vàng giảm mạnh phiên hôm nay có nguyên nhân lớn nhất là tình trạng đầu cơ trên thị trường kim loại quý.
Theo chuyên gia này, trong phiên hôm qua, chính các doanh nghiệp lớn là những nhà đầu cơ đã đẩy giá vàng lên vùng kỷ lục hàng chục năm. Ngay cả việc vàng trong nước cao hơn 2 triệu đồng/tháng so với thế giới cũng có lý do từ việc này.
“Hôm qua đã có dấu hiệu các doanh nghiệp thổi giá lên quá nhanh, khi thổi giá lên mà không có nguồn cầu để đáp ứng thì giá xuống cũng sẽ rất nhanh”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng một phần khiến vàng trong nước giảm đến từ giá thế giới đã có xu hướng đi xuống trong hôm nay.
Ông Hiếu nhận định, giá vàng thế giới cũng giống Việt Nam với hai hoạt động chính là đầu tư và đầu cơ. Thị trường vẫn có những nhà đầu tư thực sự tìm kiếm tài sản an toàn để trú ẩn trước biến động kinh tế (2 tài sản an toàn nhất hiện nay là vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ).
“Tuy nhiên, cũng có những nhà đầu cơ lớn trên thị trường luôn lợi dụng các đợt sóng biến động để kiếm tiền và việc đẩy giá vàng thế giới lên là đương nhiên”, ông Hiếu chia sẻ.
Trước đó, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam (VGB), cũng cho rằng các doanh nghiệp vàng không được tự chủ nguồn nhập khẩu là nguyên nhân khiến giá trong nước vượt ngoài diễn biến giá thế giới.
Với một thị trường đã không còn cạnh tranh hoàn hảo như vàng, việc SJC là đơn vị độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng đẩy giá lên cao thì các doanh nghiệp khác phải tăng theo.
Về dài hạn, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu dịch bệnh do virus corona không thể kiểm soát trong quý II và ngày càng lây nhiễm rộng hơn cả về quốc gia và số người dương tính, giá kim loại quý sẽ còn tăng lên rất nhanh và mức 55 triệu đồng/lượng không phải giá quá cao mà vàng không thể đạt được.