Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn hóa xỉa răng, ngồi xổm, cười to của người Việt đến từ đâu?

Xỉa răng chỉ là một việc rất nhỏ sau khi ăn của người Việt, nhưng được người phương Tây nhìn nhận như một đặc trưng tính cách.

Văn minh vật chất của người Việt - cuốn sách từng được xuất bản từ năm 2011, là một tác phẩm giành được sự công nhận từ phía độc giả, cũng như được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong lần tái bản mới, Văn minh vật chất của người Việt một lần nữa đã trở lại với một phiên bản bổ sung, hoàn thiện hơn, sau gần 8 năm trưởng thành.

“Tôi bắt đầu cuốn sách Văn minh vật chất của người Việt từ năm 1992, với những nghiên cứu lẻ tẻ” - ông Phan Cẩm Thượng chia sẻ - “Cho đến năm 2007 - 2008, mới bắt tay vào viết lại từ đầu một mạch thành cuốn sách. Sách gồm 5 chương, về đời sống vật chất sinh hoạt thường ngày của người Việt Nam trong xã hội tiền công nghiệp. Ngày nay, các vật dụng cổ như cày, bừa, rổ rá, ang vại... những gì là hình ảnh của một nền nông nghiệp cổ xưa đang dần chìm vào quá khứ. Lưu luyến với quá khứ và muốn cho những bạn trẻ tìm hiểu về cha ông không phải bằng các lý thuyết Nho Lão Phật mà bằng đời sống rất cụ thể, đó là hy vọng của cuốn sách với gần 1.500 minh họa này”.

Van minh vat chat cua nguoi Viet anh 1
Ấn bản Văn minh vật chất người Việt tái bản năm 2018.

Mỗi một đồ vật ẩn sau đó là một câu chuyện lịch sử, là lấp lánh những số phận, những kiếp trầm luân, hay những tuyên ngôn của một nên văn minh mà tác giả gọi đó là “nền văn minh vật chất”. Cuốn sách là kết quả của gần 30 năm giữa đi và đến, giữa hiện thực và ảo tưởng, giữa hiện sinh và hư vô, giữa tĩnh tại và chuyển động, giữa lục tìm và bắt gặp, đã ra đời như một cánh cửa dẫn vào văn hóa nông thôn Việt Nam.

Đầu tiên chỉ với một ý niệm đơn giản, một câu hỏi rằng: Kho tàng vật chất như cày bừa, rổ, rá…; kho tàng văn hóa như xỉa răng, ngồi xổm, cười, thậm chí là “nịnh hót”… của người Việt Nam ta đến từ đâu, đã tồn tại thế nào, đã sắp biến mất ra sao, có còn ai nhớ đến không?

Tất cả những điều đó hình thành nên con người chúng ta ngày nay, vậy có ai biết lịch sử ra đời của nó? Có thể cái “ngày xưa” ấy lạc hậu, rất đơn giản nhưng lại có văn minh. Còn bây giờ chúng ta rất “hiện đại”, có một đời sống vô cùng tân tiến, nhưng mấy ai biết rằng chúng ta đang đánh mất nền văn hóa và văn minh của lịch sử ngàn đời.

Thực tế có những tính cách thấm sâu vào người Việt Nam mà chúng ta không biết vì sao. Xét về mặt lịch sử, nó đã được hình thành trong một quá trình rất lâu dài. Nếu chúng ta hiểu được nguồn sống của nó thì chúng ta càng chủ động và dễ dàng làm chủ cuộc sống của mình hơn.

Giả sử như việc: “Cũng giống như tất cả người Việt khác, tôi ít khi để ý đến hành vi thường ngày của mình, nhưng dần dà cũng có những phân biệt nhất định, nhất là khi đi sơ tán, tôi thấy người sống ở nông thôn có những cách hành xử khác với người ở thành thị. Tiếp xúc với những người thuộc các sắc tộc khác nhau, lại thấy những hành xử khác nữa, rồi gặp người nước ngoài lại là một cách sống khác. Cái gì tạo nên những phong cách sống, như một số người có đầu óc kỳ thị thường phân biệt giữa người nhà quê và người thành phố, giữa thiếu nữ Hà Nội, người da trắng và người da màu, mà về bản chất nó không phản ánh sự tốt xấu, sang hèn, chỉ là hệ quả của cả hành trình dân tộc mà thôi.

Từ hoang dã đến con người hiện đại là quãng thời gian hàng vạn năm, rất nhiều hành vi đã ngưng đọng lại không bao giờ thay đổi nữa. Đó chính là cử chỉ thông thường của một dân tộc, không bao giờ đánh giá theo thang giá trị đẹp hay xấu. Bà tôi và những cụ già khác thường nhai trầu bỏm bẻm, đến khi răng yếu, các cụ có chiếc cối nghiền trầu nho nhỏ và ngoáy vào đó suốt ngày. Tôi thấy một cụ già nhờ nhà sư chùa làng nhai trầu hộ, rồi bà ăn sau, một hôm nhà sư bận nên nói bà nhờ cô gái này này.

Van minh vat chat cua nguoi Viet anh 2
Ăn trầu là tập tục xưa của người Việt mang nhiều ý nghĩa.

Bà cụ bảo: “Cô này miệng hôi tôi không ăn được.” Nhà sư đáp: “Miệng tôi mới hôi, còn miệng các cô ấy thơm lắm.” Bà cụ nói: “Các thầy là người tu hành nên khí chất thơm tho, còn các cô ấy có tu gì đâu mà thơm hay hôi.” (Lược trích từ cuốn sách Văn Minh vật chất của người Việt). Như vậy, cách quan niệm của các cụ già xưa thật khác thường, đạo đức quyết định tất cả những phẩm chất còn lại, nhưng thực tế thì không hẳn như vậy.

Viết về chuyện nói cười, chuyện xỉa răng, ngồi xổm - là ba hành vi đặc trưng của người Việt - tác giả nói rất tỉ mỉ, cho dù ngày nay những hành vi đó thay đổi ít nhiều.

Xỉa răng chỉ là một việc rất nhỏ sau khi ăn của người Việt, nhưng được người phương Tây nhìn nhận như một đặc trưng tính cách. Họ cho rằng người Việt hay ăn cỗ, và ai ăn xong rồi thì được đánh dấu bằng một cái que cắm vào miệng. Hầu hết người Việt lớn lên đôi chút là chân răng thường hở, khiến cho khi ăn thức ăn dính vào kẽ răng và phải xỉa răng. Tập tục ăn trầu có chất vôi và nhuộm răng đen làm cho răng chắc khỏe, với những ai giữ được thói quen truyền thống này thì có thể giảm xỉa răng.

Xỉa răng sau khi ăn thực ra liên quan đến cách thức nấu nướng hàng ngày. Chúng ta không rõ thời trung cổ người phương Tây ăn những tảng thịt nướng to tướng thì họ sẽ xử lý răng miệng thế nào, nhưng về sau nhiều các đồ ăn phương Tây chuyển sang hầm nhừ, bộ răng không quá vất vả. Món ăn Trung Hoa cũng vậy, không nhiều đồ luộc như Việt Nam. Người Việt ăn nhiều chất xơ và đồ luộc, chất xơ từ rau cỏ, lại ăn nhanh và không nhai kỹ, lại luôn mồm nói chuyện trong khi ăn, nên luôn làm cho bộ răng ngứa ngáy. Vả lại đàn ông xỉa răng để nói nốt câu chuyện tào lao rồi uống trà, đàn bà che miệng xỉa răng lộ vẻ kín đáo” (Lược trích từ cuốn sách Văn Minh vật chất của người Việt).

Trong thư mục trước tác của các tác giả Việt Nam, chưa từng có một cuốn nào cùng loại, đây vẫn luôn được đánh giá là một sách độc nhất vô nhị. Cuốn sách về những câu chuyện giản dị của các đồ vật do con người làm ra và sử dụng. Những đồ vật ấy làm nên cái thế giới vật chất nhân tạo mà ta sống trong đó, biến đổi nó, và cùng tiến hóa với nó và tạo nên văn hóa, tính cách nhờ nó.

Đây thực sự là một cuốn sách ý nghĩa, mọi điều giản dị nhất đằng sau đó hóa ra lại là cả một bề dày lịch sử. Thông qua Văn minh vật chất của người Việt, chúng ta hiểu thêm một thông điệp được gửi gắm trong ấy là: “Sự giáo dục, sự chuẩn bị cho một thế hệ tương lai của chúng ta, dù có hội nhập thế nào thì để không đánh mất chính mình, chúng ta cũng không bao giờ nên quên đi những giá trị cốt lõi, những giá trị truyền thống đã tạo nên chúng ta ngày hôm nay”.


Thái Uyên

Bạn có thể quan tâm