Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn hóa ép rượu của Trung Quốc sau vụ việc ở Alibaba

Cứ hai tuần một lần, Mingxi lại phải cùng đồng nghiệp đi uống rượu sau giờ làm, dù cô rất ghét việc này, theo BBC.

Cuộc ăn nhậu không bao giờ kết thúc sau vài ly. Nó sẽ kéo dài với những nụ cười gượng gạo với khách hàng hoặc cú cụng ly đầy gượng ép với cấp trên. Mingxi (không phải tên thật) chưa bao giờ cảm thấy thoải mái ở đó.

"Đôi khi, mọi người đùa cợt về chuyện tình dục và tôi phải cố tỏ ra rằng chúng hài hước", cô gái 26 tuổi nói.

Nhiều nữ nhân viên trẻ khác tại Trung Quốc cũng đồng cảm với câu chuyện của Mingxi. Họ cảm thấy áp lực khi phải tham gia các cuộc ăn nhậu như thế này nhưng vẫn phải chấp nhận để xây dựng "guanxi" - các mối quan hệ cá nhân, chìa khóa trong làm ăn hay được cấp trên đánh giá tốt.

vu cuong hiep o alibaba anh 1

Bê bối cưỡng hiếp ở Alibaba làm dậy sóng dư luận Trung Quốc.

"Từ chối là thiếu tôn trọng"

Văn hóa làm ăn trên bàn nhậu của Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý sau cáo buộc cưỡng hiếp nhằm vào một quản lý cấp cao của tập đoàn Alibaba.

Theo đó, một nữ nhân viên cho biết cô đã bị ép uống rượu đến mức bất tỉnh trong một cuộc nhậu với đồng nghiệp. Sáng hôm sau, người này thức dậy trong phòng khách sạn và không nhớ gì chuyện hôm trước.

Tuy nhiên, sau khi xem máy quay an ninh, cô nói rằng cấp trên đã lẻn vào phòng mình 4 lần trong tối hôm đó.

Alibaba đã sa thải người quản lý và nói rằng ông ta sẽ "không bao giờ có cơ hội quay lại công ty". Trong khi đó, cảnh sát cho biết người này sẽ bị giam giữ trong 15 ngày "như một hình phạt", nhưng cuộc điều tra về cáo buộc cưỡng hiếp đã nhanh chóng khép lại.

Tuy nhiên, vụ việc vẫn tiếp tục xôn xao trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến lên án nạn quấy rối tại nơi làm việc và chỉ trích văn hóa ép rượu độc hại trong các công ty.

Trên Weibo, các hashtag liên quan đã thu hút hơn 110 triệu lượt xem, với nhiều người chia sẻ kinh nghiệm của họ khi bị ép nhậu trong môi trường kinh doanh.

vu cuong hiep o alibaba anh 2

Đem chuyện làm ăn, công việc lên bàn nhậu trở thành văn hóa kinh doanh ở nhiều nước châu Á.

Có nhiều nét tương đồng trong việc mang chuyện làm ăn lên bàn nhậu ở các nước Đông Á. Nhật Bản gọi những tiệc rượu văn phòng là "nomikai". Còn Hàn Quốc sử dụng từ "hoesik" để chỉ những buổi nhậu tới bến sau giờ làm.

Ở Trung Quốc, đồ uống thường được sử dụng trong bữa nhậu là baijiu - loại rượu mạnh có nồng độ cồn tới 60%.

Những người lao động trẻ tuổi được cho phải thể hiện sự tôn trọng với cấp trên hoặc gây ấn tượng với khách hàng bằng cách liên tục cạn ly.

Bà Rui Ma, nhà phân tích nghệ thuật đã tham dự nhiều bữa tối bàn việc làm ăn trên khắp Trung Quốc, cho biết đôi khi, những người quản lý cao cấp có thể gây áp lực buộc nhân viên mới phải uống hết rượu.

"Thật khó để nói không với sếp vì sự phân chia cấp bậc ở Trung Quốc là rất mạnh mẽ".

Trong khi đó, nhà phân tích thị trường Trung Quốc Hanyu Liu nói: "Từ chối lời mời sẽ được coi là cực kỳ thiếu tôn trọng".

Những buổi nhậu tai hại

Năm 2016, các tổ chức, ban ngành của chính phủ Trung Quốc cấm nhân viên của mình tiếp xúc với rượu bia trong khi thi hành công vụ.

Tuy nhiên, truyền thống này vẫn tiếp diễn ở nhiều công ty tư nhân - đặc biệt là những nơi có người lớn tuổi nắm quyền.

Tháng 1/2020, một nhân viên bảo vệ ở Thâm Quyến đã chết sau khi bị sếp của mình gây áp lực, phải tham gia một cuộc thi uống rượu trong bữa nhậu sau giờ làm việc.

Đồng nghiệp của người này cũng bị ép uống quá mức và phải nhập viện vì ngộ độc rượu.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, công ty đã cho người cấp trên thôi việc và trả 5.000 nhân dân tệ viện phí của nhân viên.

vu cuong hiep o alibaba anh 3

Nhiều vụ bê bối liên quan đến chuyện ăn nhậu sau giờ làm của các công ty Trung Quốc gây xôn xao mạng xã hội.

Tháng 8 năm ngoái, một nhân viên ngân hàng trẻ tuổi ở Bắc Kinh cho biết anh bị cấp trên tát và lăng mạ khi từ chối uống rượu trong một cuộc tụ họp của công ty.

"Khi mọi người đã ngà ngà say, một người sếp bước đến gần tôi, tát vào mặt và lăng mạ tôi. Ông ấy hỏi tôi có ngu ngốc không vì tôi đã không uống rượu khi sếp nâng ly chúc mừng", người đàn ông kể lại.

Sau khi vụ việc lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, phía ngân hàng đã phải đứng ra xin lỗi và kỷ luật hai nhân viên cấp cao.

Sau vụ việc của Alibaba, nhiều chuyên gia cho rằng văn hóa ép rượu độc hại sẽ sớm được loại bỏ.

Nhà phân tích thị trường Hanyu Liu nói: "Việc ép rượu trong môi trường công sở đã diễn ra trong thời gian dài nhưng vụ việc của Alibaba gây ra phản ứng dữ dội chủ yếu do mạng xã hội. Người Trung Quốc rất nghiện Internet và họ có thể đánh gục một người hoặc một công ty rất nhanh chóng".

Cử chỉ tay đơn giản khơi mào cuộc chiến giới tính ở Hàn Quốc

Phải mất 3 năm, mọi người mới nhận thấy "ẩn ý tấn công giới tính" của một biểu tượng trò chơi phổ biến bậc nhất Hàn Quốc.

Lê Vy

Ảnh: BBC

Bạn có thể quan tâm