Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vận hành ứng dụng công nghệ kết nối các điểm bán thuốc

Ngày 24/8 tại Hưng Yên, Bộ Y tế và tập đoàn Viettel đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống kết nối các cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc.

Hội nghị trực tuyến Ứng dụng Công nghệ Thông tin (CNTT) kết nối các cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc đã có sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Đại tá Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Tập Đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội (Viettel).

Hội nghị còn được kết nối tới hơn 700 điểm cầu với sự tham gia của hơn 16.500 đại biểu đại diện các cơ quan ban ngành, và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

ung dung chong thuoc gia anh 1
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại sự kiện. 

Tại Hội nghị, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 – 2020. Bộ cũng đã có Kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc, song song với việc xây dựng các quy định nhằm pháp chế hóa yêu cầu bắt buộc ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc, đặc biệt triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ…

Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc.

Đề án trên ra đời trong bối cảnh hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc vẫn còn gặp nhiều thách thức. Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh đã dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh ngày càng hiện hữu.

Bên cạnh đó, vẫn còn có tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường. Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc.

Mặt khác, đây cũng là nỗ lực của Bộ Y tế nhằm triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.

Ứng dụng này sẽ bao gồm các thành phần như: Hệ thống quản lý nhà thuốc; Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia; Cổng tra cứu trên web và ứng dụng tra cứu thuốc trên di động cho người dân, đồng thời cảnh báo thuốc kém chất lượng, thuốc giả tới cơ quan quản lý.

Trước đó, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ sản xuất, phân phối thuốc giả, thuốc nhập lậu, trong đó nổi cộm là vụ việc sản xuất thuốc giả của công ty Vinaca với sản phẩm thuốc chữa ung thư, tất cả đều được sản xuất không phép từ bột than tre nứa. 

Cuộc chiến thị trường dược phẩm 5,2 tỷ đô ở Việt Nam

Năm 2018, bối cảnh ngành dược được dự đoán thay đổi mạnh mẽ với sự tham gia của những ông lớn trên thị trường bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT Retail, Digiworld, Nguyễn Kim...


Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm