Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn chương thời mạt

"Rồi tự nhiên dậy sóng vì một bài thơ đạo. Văn chương đã ẩm mốc lại càng thêm cái tội ăn cắp, nhếch nhác đến tội nghiệp", nhà báo Lê Hồng Lâm bày tỏ quan điểm.

Bài viết gửi Zing.vn của nhà báo Lê Hồng Lâm:

Có lẽ chưa bao giờ văn chương lại bị rẻ rúng như bây giờ. Rất hiếm người đọc văn chương, rất ít người bàn về văn chương, đặc biệt là văn chương Việt Nam.

Có một thời những cuốn sách in giấy đen xỉn chữ bé xíu in 50.000, 60.000 bản, có một thời những cuốn sách của Nguyễn Mạnh Tuấn về thế sự như Đứng trước biển, Cù lao chàm in hàng vạn bản và trở thành đề tài ăn khách nhất trên báo. Những năm 1990, lúc tôi đang còn học đại học và tiếp tục kéo dài đến hết thập niên cuối cùng của thế kỷ cũ, văn chương cũng vẫn còn được giá lắm. 

Những tờ báo như Văn nghệ quân đội, Văn nghệ, Văn nghệ trẻ có sức hút rất lớn, những giải thưởng văn chương mang lại rất nhiều danh tiếng cho người đoạt giải. Và quan trọng là người ta nói rất nhiều, bàn rất nhiều về nó. Những Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài rồi sau này là Phan Triều Hải, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ... những năm 1990 nổi tiếng không kém gì các ngôi sao nhạc pop. 

Rồi tất cả cái uy danh, cái quyền lực, cái đam mê văn chương ấy dần dần biến mất, một cách kỳ lạ, và đôi lúc tôi có cảm giác như chuyện xảy ra đã cả thế kỷ trước chứ không phải mới 15 năm. 

Các nhà văn mệt mỏi dừng viết lách, báo chí văn nghệ không ai đọc nữa, sách vở văn nghệ chính tông in 1.000, 2.000 bản và nằm lặng lẽ trên các giá sách ở đâu đó. Đến các giải thưởng văn chương cũng không ai bàn nữa.

Nhà báo Lê Hồng Lâm: "Chưa bao giờ văn chương lại bị rẻ rúng như bây giờ." 

Và văn chương chỉ dậy sóng khi có một vụ như vụ đạo thơ vừa rồi của Phan Huyền Thư. Thật kỳ lạ! Tôi thề là hàng ngàn comment trên mạng hay thậm chí báo chí viết về sự vụ này không hề đọc Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư cũng như một cuốn tiểu thuyết văn chương đáng giá mà tôi nghĩ đáng bàn hơn nhiều: Mình và Họ của Nguyễn Bình Phương.

Đó là cuốn tiểu thuyết mà Bảo Ninh lúc đọc bản thảo đã không ngăn được sự phấn khích của một nhà văn luôn lặng lẽ và hầu như ít phấn khích vì một điều gì. Bảo Ninh gọi Mình và Họ là cuốn tiểu thuyết của thập kỷ, là cuốn tiểu thuyết cả văn đàn chờ đợi sau quá nhiều năm văn chương mất mùa.

Một tác phẩm có giá trị như "Mình và Họ" của Nguyễn Bình Phương lại chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng.

Nằm số 1 trong danh sách giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, Mình và Họ vẫn tiếp tục lặng lẽ như khi nó phát hành. Báo chí hầu như chỉ điểm tin, văn đàn cũng chẳng có hội thảo gì và bạn đọc thì chắc chỉ trên dưới ngàn người còn trung thành với văn chương và yêu thích Nguyễn Bình Phương đọc.

Rồi tự nhiên dậy sóng vì một bài thơ đạo. Văn chương đã ẩm mốc lại càng thêm cái tội ăn cắp, nhếch nhác đến tội nghiệp.
Phan Huyền Thư làm thơ hay không? Hay, những tên tuổi trên văn đàn những năm 1990 không ai phủ nhận điều đó cả. 

Cách đây 11 năm, tôi làm bàn tròn "10 năm văn chương trên giá sách", cả Dương Tường và Nguyên Ngọc đều gọi Phan Huyền Thư là một trong vài giọng thơ cách tân đáng chú ý nhất trong suốt 10 năm đó. 

Bài báo ra, nghe nói Vi Thùy Linh gọi điện đến nhà Dương Tường tổng xỉ vả khen thơ của Thư chứ không phải của bạn ấy. Tôi ít đọc thơ, nhưng cũng phải thừa nhận đọc thơ Phan Huyền Thư có cái chất dẫn dụ, lừa mị rất đàn bà. 

Hồi những năm đầu 2000, Phan Huyền Thư không chỉ là ngôi sao thơ mà còn là ngôi sao của... mạng xã hội thời mới khai sinh. Khi Internet mới bắt đầu ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của giới trẻ Việt Nam, Thư có kịch bản Thế hệ @ gây xôn xao dư luận. 

Phim do Thư biên kịch, Nguyễn Thước đạo diễn, nhưng ở đâu cũng có cảm giác Thư là linh hồn của bộ phim ấy. Người ta bàn tán xôn xao, thậm chí kịch bản còn đăng lên mạng trước khi cả phim ra, cứ như một kịch bản văn học.

Trong khi văn đàn và dư luận dậy sóng ngay với một sự việc đáng tiếc là vụ "đạo thơ" của Phan Huyền Thư.

Tôi chưa kịp đọc thì nghe một em chuyên viết phóng sự của báo Sinh viên Việt Nam kêu lên thất thanh: "Anh Lâm có biết chị Phan Huyền Thư rõ không? Sao thế này được, chị ấy nổi tiếng thế mà đi... đạo phóng sự của em". Rồi bảo rất nhiều chất liệu trong kịch bản Thế hệ @ lấy ý tưởng, thậm chí copy nhiều đoạn của các phóng sự đăng trên Tuần báo Sinh viên Việt Nam. Tôi hồi đó cũng có phần ngưỡng mộ chị Thư, nói đùa với bạn phóng viên báo Sinh viên Việt Nam, mình báo nhỏ, ít ai để ý, được nhà biên kịch mượn vài đoạn vào kịch bản phim đang hot thế, phải lấy làm vinh dự chứ. 

Phim Thế hệ @ ra, tiếp tục xôn xao dư luận. Tôi đi xem về thì thất vọng quá, cái phim tài liệu bao nhiêu người chờ đợi về một thế hệ mới mẻ của Việt Nam không khác gì một phóng sự vụng về trên truyền hình, nhân vật tuyên ngôn leng keng, dàn dựng lỗ liễu và quay rất cảnh vẻ. 

Bài báo của tôi trên báo Sinh viên Việt Nam tất nhiên là chê, chê thẳng cánh, và trích đăng nhiều ý kiến của nhiều khán giả khác mà mình tin gu xem phim của họ. 

Hình như đó là một cú sốc với chị Thư vì trước đó và ngay sau khi phim chiếu, dàn hòa ca tôn vinh chị vẫn bất tận. Tôi không biết chị Thư sốc đến đâu, nhưng có một động thái khiến tôi nhớ mãi là chị nhờ anh Nguyễn Thanh Sơn (cũng là một nhân vật chính trong phim) hẹn gặp tôi một buổi để... ba mặt một lời. Vì tôi nghe phong thanh là chị không tin tôi viết bài đó mà có ai đó đứng đằng sau. 

Tất nhiên tôi không thích thú gì với một mình thế gặp gỡ như thế này, nhưng vì nể anh Sơn và cũng muốn nói với chị Thư là mình chả có động cơ gì cả, chỉ xem phim và viết về phim với sự trung thành nhất với cảm xúc và sự hiểu biết của mình. 

Nhưng gặp rồi, ba mặt một nhời rồi thì nó rất... ngượng ngùng, chẳng ai dám nhìn thẳng vào mắt ai để nói một điều gì đó thật lòng. Chuyện vòng vo, có tí thanh minh, có tí giải thích rồi về. Về rồi mà vẫn không hết ngạc nhiên, sao chị ấy hẹn mình làm gì nhỉ, có giải quyết được gì đâu mà càng thêm ngượng ngùng.

Hai năm sau tình cờ gặp anh Nguyễn Thước, đạo diễn của bộ phim Thế hệ @ trong quán ăn Chim sáo ở ngõ Huế, tôi không biết gì về anh ấy và cũng chưa gặp mặt bao giờ, nhưng anh Thước là người chủ động bắt tay và nói lời cám ơn vì bài báo... chê phim năm ấy. Một hành động khiến tôi hơi ngỡ ngàng và sau đó là cảm động. Mấy ai trong giới làm phim, trong giới văn nghệ có được cách cư xử như anh ấy?

Nhà báo Lê Hồng Lâm hiện là trưởng ban biên tập tạp chí Thể thao & Văn hoá Đàn Ông. Anh là người biên soạn hai cuốn sách: Xem chữ Đọc hình (2006) tập hợp các bài phỏng vấn và bình luận về văn học và điện ảnh; Chơi cùng cấu trúc (2009) tập hợp các bài cảm nhận, phê bình điện ảnh.

Lê Hồng Lâm là cây viết quen thuộc của các tờ báo uy tín như Tuổi trẻ, Sinh viên Việt Nam...

Nhà báo Lê Hồng Lâm

Bạn có thể quan tâm