19Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang về việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu quả vải tươi lần đầu tiên sang Nhật Bản.
Bộ Công Thương cho biết đã nhận được công hàm của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) thông báo không thể cử chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật Nhật Bản sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch Covid-19.
Do vậy, việc xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật Bản sẽ không thể triển khai trong vụ thu hoạch vải năm 2020.
Năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Ảnh: Hoàng Đông. |
Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với MAFF để thuyết phục phía Nhật Bản xem xét các giải pháp khác thay cho việc phải cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra cơ sở khử trùng.
Bộ Công Thương đề xuất phương án tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện kiểm tra trong thời gian trước mắt hoặc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm tra từ xa (kiểm tra trên hồ sơ và kiểm tra thông qua truyền hình trực tiếp các cơ sở khử trùng).
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh có công thư gửi Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề nghị thúc đẩy MAFF xem xét các biện pháp đặc biệt, sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi vào Nhật Bản.
Bộ Công Thương đề nghị các sở nắm bắt thông tin và phổ biến kịp thời cho các đơn vị, doanh nghiệp liên quan. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương liên quan của cả hai nước để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam sang Nhật Bản.
Trước đó, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản đối với việc tiêu thụ vải thiều. Thứ nhất, xuất khẩu được sang các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới; thứ hai là khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được; thứ ba là không xuất khẩu được.
Ngoài ra, thị trường trong nước rất tiềm năng với gần 100 triệu dân. Nếu khai thác tốt thị trường nội địa thì sản lượng vải của Bắc Giang hoàn toàn không phải lo lắng về đầu ra.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận vụ vải năm nay sẽ còn chịu tác động bởi diễn biến thời tiết không thuận lợi, có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, giảm giá trị và dịch Covid-19 gây gián đoạn thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu.
Bộ trưởng NN&PTNT cho biết đã làm việc với các tỉnh, thành phố về tiêu thụ nông sản để xây dựng những nhóm giải pháp tích cực, chủ động, phấn đấu một năm “vải được mùa, được giá”.