Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vải thiều đầu mùa về chợ TP.HCM, giá 80.000 đồng/kg

Vải thiều bán tại các chợ ở TP.HCM chín sớm hơn so với vải chính vụ 10 - 20 ngày nên có giá khá đắt.

Cuối tháng 5 mới bắt đầu vào chính vụ thu hoạch vải thiều, tuy nhiên thời điểm này, tại một số chợ, quầy hàng hoa quả trên địa bàn TP.HCM, vải thiều Bắc Giang, Hải Dương đầu mùa đã được bày bán.

Vải thiều đầu mùa giá cao

Theo khảo sát của Zing tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Đa Kao (quận 1), chợ Xóm Chiếu (quận 4), vải thiều sớm đang được bày bán với giá khá cao dao động khoảng 60.000-80.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá vải u hồng loại 1 là 75.000-80.000 đồng/kg, giá vải lai 60.000-70.000 đồng/kg. Số lượng vải đầu mùa tại chợ chưa nhiều, các tiểu thương đều giới thiệu đây là vải thiều miền Bắc hoặc vải thiều Hà Nội.

Bà Tư, kinh doanh trái cây tại chợ Xóm Chiếu (quận 4) cho biết vải thiều bán tại chợ hiện nay đều là vải lai, vải u hồng, vải u trứng trồng ở các tỉnh miền Bắc như Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh… Đây là vải chín sớm hơn so với vải chính vụ từ 10 - 20 ngày nên có giá khá đắt.

Vai thieu dau mua ve cho TP.HCM anh 1

Một quầy hàng bán trái cây tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) bán vải thiều đầu mùa với giá 60.000-75.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Thương.

Theo bà, vải đầu vụ rất ít, không có nhiều hàng để nhập, mỗi đợt bà chỉ nhập được khoảng 15-20 kg. "Giá bán hôm nay đã giảm 5.000-10.000 đồng so với vài ngày trước. Khoảng 1, 2 tuần nữa, vải chín nhiều giá cũng sẽ rẻ hơn", bà nói.

Tương tự, chị Mai, tiểu thương tại chợ Bùi Văn Ba (quận 7) đang bán vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) loại tươi, đẹp chín đều màu có giá 80.000 đồng/kg, loại trái nhỏ hơn có giá từ 60.000-65.000 đồng/kg.

Chị cho biết vải đầu mùa, phí vận chuyển vào Sài Gòn cao nên giá vải thiều khá đắt, khách chủ yếu mua nửa kg. "Vì trời nắng bảo quản khó nên tôi không dám lấy nhiều", tiểu thương này chia sẻ.

Không ngon bằng chính vụ nhưng vải thiều đầu mùa vẫn được nhiều khách Sài Gòn tìm mua. Vừa mua một chùm hơn 2 kg vải thiều giá 150.000 đồng, chị Ngọc Thuý (quận 4, TP.HCM) cho biết: "Vải đầu mùa chưa ngon, ngọt đậm vị như vải chính vụ, tuy nhiên thấy chợ bán vải miền Bắc nên tôi mua ăn cho đỡ thèm", chị nói.

Ngoài ra, không chỉ tại các chợ, cửa hàng trái cây mà trên các diễn đàn chợ mạng vải thiều cũng đang được rao bán nhộn nhịp với giá từ 60.000 đồng/kg.

Bắc Giang xây dựng "đối sách linh hoạt" cho trái vải

Năm nay, để chuẩn bị cho tiêu thụ vải thiều trong khi dịch Covid-19 đang bùng phát, Bộ Công Thương, cơ quan chức năng các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đang tích cực quan tâm giải quyết, nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều.

Cụ thể, từ ngày 14/5 Sở NN&PTNT, Sở Công Thương Hải Dương, Công ty Rồng Đỏ và Lazada Việt Nam triển khai tiêu thụ vải thiều. Hiện, người dân Hà Nội, TP.HCM có thể mua vải thiều u trứng trồng theo hướng hữu cơ tại Thanh Hà (Hải Dương) trên sàn thương mại điện tử Lazada.vn với giá 150.000 đồng/kg.

Vai thieu dau mua ve cho TP.HCM anh 2
Sản lượng vải thiều năm nay tại tỉnh Bắc Giang ước đạt 180.000 tấn. Ảnh: Hoàng Đông.

Hiện, toàn tỉnh Bắc Giang có 28.000 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, để bảo đảm cho người dân tiêu thụ vải thiều thuận lợi, hạn chế thấp nhất thiệt hại, đơn vị đã xây dựng 2 phương án hỗ trợ người dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều.

Trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể xuất khẩu, sẽ đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa thông qua chợ đầu mối, siêu thị hoặc sấy khô, bảo quản lạnh.

Trao đổi với Zing, đại diện UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh đang tích cực chuẩn bị đón thương nhân Trung Quốc về tổ chức cách ly theo quy định và nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. "Huyện Lục Ngạn và huyện Tân Yên sẽ thực hiện việc đón thương nhân Trung Quốc sang giám sát, thu mua vải thiều. Hiện ở Lục Ngạn, đã chuẩn bị 8 điểm cách ly y tế cho 190 thương nhân này", đại diện này cho biết.

Ngoài ra, tỉnh cũng chủ động xây dựng 3 kịch bản hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều. Theo đó, nếu dịch được kiểm soát, địa phương sẽ đem tiêu thụ 50% nội địa và 50% xuất khẩu. Ở 2 kịch bản khác với diễn biến dịch nghiêm trọng hơn, sản lượng vải tiêu thụ trong nước có thể lên đến 70%, thậm chí toàn bộ.

Hiện nay, vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch và sang một số nước khu vực Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Australia...

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm