Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vạch trần 'hộ chiếu lưỡi bò'

Philippines đang có những bước đi nhằm tránh bất kỳ khả năng nào được xem là hợp pháp hóa yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.

Vạch trần 'hộ chiếu lưỡi bò'

Philippines đang có những bước đi nhằm tránh bất kỳ khả năng nào được xem là hợp pháp hóa yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.

Jakarta Post cho biết Philippines sẽ không đóng dấu thị thực nhập cảnh lên hộ chiếu mới của du khách Trung Quốc, thay vào đó chỉ sẽ đóng dấu thị thực vào một bản đăng ký rời.

Sự hiện diện của tàu hải giám Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông.

Theo hãng tin GMA News, Chính phủ Philippines sẽ thực hiện quy định hộ chiếu mới vào tuần tới đối với những người Trung Quốc sử dụng hộ chiếu có in bản đồ đường 9 đoạn, thâu tóm cả vùng biển mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Raul Hernandez hôm qua cho biết, tất cả những cơ quan liên quan như các phái bộ ngoại giao Philippines và Cục Di trú sẽ đồng thời thực hiện chính sách mới nhằm vạch trần toan tính mới nhất của Trung Quốc là củng cố yêu sách về lãnh thổ của họ. Một số nghị sĩ Philippines gọi hộ chiếu mới của Trung Quốc là “trò hề” và là hành động thể hiện sự hung hãn.

Trong khi đó, Chính phủ Indonesia đặt ra những quan ngại về việc Trung Quốc cho in bản đồ “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu mới và nói hành động đơn phương đó có thể làm trầm trọng những tranh chấp lãnh thổ trong vùng. “Chúng tôi nhận thức hành động đó của Trung Quốc là bất chính”, Ngoại trưởng Marty Natalegawa phát biểu khá nặng lời hôm 28/11.

Những gì Trung Quốc làm sẽ không giúp giải quyết vấn đề, trái lại từ sâu xa, nó có thể làm xấu thêm tình hình vốn đã căng thẳng xung quanh Biển Đông, ông Marty nói thêm. Báo The Jakarta Post cho biết, Indonesia sẽ nêu rõ quan điểm của nước này với Trung Quốc. “Họ có thể đưa ra (bản đồ) nhưng nó sẽ chẳng có tác dụng gì”, ông Marty nhấn mạnh.

Nhiều người sợ rằng các tranh chấp có thể trở thành những điểm nóng sắp tới của châu Á vì xung đột vũ trang. Indonesia không phải là nước có yêu sách lãnh thổ nhưng đã tích cực giúp dàn xếp các tranh chấp bằng cách dự thảo một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông như bước đi đầu tiên hướng đến giảm căng thẳng. Ông Marty cho rằng, tâm điểm của Indonesia sẽ không bị thay đổi vì bất cứ động thái đơn phương nào. “Chúng tôi cần tập trung vào việc hoàn chỉnh bộ quy tắc ứng xử, tôi hy vọng rằng chúng tôi, ASEAN và Trung Quốc có thể tập trung đối thoại”, ông nhấn mạnh.

Ông Marty còn tinh tế chỉ ra rằng việc làm đó của Trung Quốc sẽ không thành công bởi những bất hòa ở BĐông sẽ chỉ được giải quyết thông qua thương lượng, không phải bằng bản đồ trong hộ chiếu hay những hành động đơn phương khác như gọi thầu khai thác dầu hoặc đưa tàu hải quân đến vùng biển tranh chấp.

Việt Nam và Myanmar nhất trí quan điểm về Biển Đông

Ngày 29/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới nước Cộng hòa Liên bang Myanmar theo lời mời của Tổng thống Thein Sein.

 

Chiều 29/11, ngay sau lễ đón chính thức tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô Nay Pi Taw, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội kiến và hội đàm với Tổng thống Thein Sein. Tại cuộc hội kiến, Tổng thống Thein Sein chúc mừng các thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam. Tổng thống Thein Sein cũng cảm ơn Việt Nam đã luôn ủng hộ Myanmar trong tiến trình cải cách chính trị, kinh tế - xã hội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng những thành tựu gần đây của Chính phủ và nhân dân Myanmar trong tiến trình cải cách, hòa hợp dân tộc, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Tổng thống Myanmar Thein Sein đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: TTXVN.

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, hai nhà lãnh đạo khẳng định hai bên sẽ tiếp tục hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn hợp tác đa phương cũng như ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức khu vực và quốc tế. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ hết sức ủng hộ, hợp tác chặt chẽ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để Myanmar đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2014.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Thein Sein nhất trí quan điểm cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); hoan nghênh Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở bBển Đông (DOC); thực thi nghiêm túc và đầy đủ DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Theo Người Lao Động

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm