Các vaccine Covid-19 trên thế giới hầu hết đều cần hai liều tiêm. Khoảng cách giữa hai liều từ 4 đến 12 tuần tùy thuộc nhà sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất dược tìm kiếm công thức vaccine Covid-19 một liều.
Tại Nga, sau thành công của Sputnik V (Gam-Covid-Vac), Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật Gamaleya tiếp tục phát triển phiên bản một liều có tên Sputnik Light.
Quốc gia này đã phê duyệt tổng cộng 4 loại vaccine Covid-19 là Sputnik V, EpiVacCorona, Covivac và Sputnik Light. Trong đó, Spunik Light là loại duy nhất có một liều.
Hiệu quả cao trên 320.000 người
Theo Reuters, ngày 18/8, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) công bố Sputnik Light có hiệu quả bảo vệ 93,5% trong chiến dịch tiêm chủng tại Paraguay. RDIF trích dẫn dữ liệu từ Bộ Y tế Paraguay cho thấy vaccine "chứng minh hiệu quả cao với hơn 320.000 người đã tiêm chủng". Dữ liệu được thu thập trước ngày 30/7.
Dữ liệu cũng chỉ ra Sputnik Light có độ an toàn cao, không để lại tác dụng phụ nghiêm trọng. Đặc biệt, theo tuyên bố của RDIF, không có trường hợp tử vong nào sau tiêm, không xuất hiện ca bị huyết khối tĩnh mạch não, hội chứng Guillain-Barre, tình trạng rò rỉ mao mạch hoặc viêm cơ tim.
Người đứng đầu RDIF, ông Kirill Dmitriev, cho biết: “Việc sử dụng vaccine Covid-19 một liều Spunik Light cho phép giới chức Paraguay rút ngắn thời gian tiêm chủng cho người dân, tăng tốc độ bao phủ, sớm đạt miễn dịch cộng đồng".
Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga vừa công bố nghiên cứu cho thấy Sputnik Light có hiệu quả 93,5% trong cuộc thử nghiệm tại Paraguay. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, đầu tháng 5, theo hãng thông tấn TASS, Sputnik Light được chứng minh có hiệu quả miễn dịch ở mức 79,4% sau 28 ngày tiêm.
Kết quả trên được thống kê dựa vào những người dân tại Nga được tiêm vaccine Sputnik Light từ đầu tháng 12/2020 đến tháng 4. Sau tiêm, chỉ 0,277% người dân có diễn biến bệnh nặng khi mắc Covid-19.
Tháng 5, Nga cấp phép sử dụng Sputnik Light. Ngày 26/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết lô vaccine Sputnik Light đầu tiên đã được đưa vào sử dụng để tiêm chủng cho người dân. Vaccine được sử dụng chủ yếu để tiêm chủng cho những người đã khỏi bệnh hoặc tiêm nhắc lại.
Ban đầu, cơ quan y tế Nga khuyến cáo chỉ sử dụng vaccine này cho người 18-60 tuổi. Tuy nhiên, ngày 21/8, hãng thông tấn TASS cho biết giới chức y tế đã phê duyệt Sputnik Light cho người từ 60 tuổi trở lên, với mục đích duy trì và cứu người tiêm khỏi bị bệnh nặng. Đây cũng là vaccine có thể sử dụng với những bệnh nhân từng mắc Covid-19.
Vaccine Sputnik V có giá dưới 10 USD một liều trên thị trường quốc tế. Nhiệt độ bảo quản là 2-8 độ C. Thông thường, mỗi người sẽ được tiêm hai liều Sputnik V cách nhau 21 ngày để tăng cường miễn dịch.
Vì vậy, giới chuyên gia Nga đánh giá việc sử dụng liều tiêm duy nhất giúp đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine, đặc biệt trong bối cảnh khả năng sản xuất Sputnik V hàng loạt chưa cao.
Ngày 13/8, theo kênh truyền hình RT, sau khi một nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra các vaccine Covid-19 do nước này sản xuất hiệu quả thấp với biến chủng Delta, RDIF đã ngỏ lời đề nghị Pfizer dùng thử vaccine Sputnik Light làm liều tăng cường. Lời đề nghị được thông báo qua tài khoản Twitter chính thức của vaccine Sputnik V do RDIF quản lý.
Ngày 20/8, RDIF tuyên bố thử nghiệm tiêm trộn Sputnik Light và AstraZeneca diễn ra ở Cộng hòa Azerbaijan cho thấy vaccine an toàn. Dự án gồm 64 tình nguyện viên và đang tuyển thêm.
Dữ liệu sơ bộ từ 20 người tình nguyện tiêm thử đợt đầu cho thấy 100% tạo ra kháng thể chống lại protein đột biến của SARS-CoV-2 (S-protein). Ngoài ra, nghiên cứu không phát hiện tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc ca nhiễm nCoV sau tiêm.
Sputnik Light được Nga kỳ vọng giúp các nước sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Ảnh: TASS. |
Sputnik Light khác gì Sputnik V?
Mặc dù giới chức y tế Nga đã cấp phép cho vaccine này, Sputnik Light vẫn chưa được Cơ quan Thuốc Châu Âu (EMA) hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.
Sputnik Light do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật Gamaleya phát triển với thành phần giống hệt Sputnik V - phiên bản hai liều mà Nga đã công bố cách đây hơn một năm. Do đó, hai vaccine này đều dựa trên công thức vector adenovirus.
Adenovirus ở vaccine của Sputnik V là Ad5/Ad26. Mỗi mũi tiêm sử dụng một adenovirus khác nhau. Sputnik Light cũng hoạt động trên thiết kế tương tự. Tuy nhiên, loại này chỉ sử dụng Ad26 thay vì cả hai adenovirus. Đây cũng là loại mà vaccine một liều của Johnson&Johnson sử dụng.
Sputnik V, Sputnik Light, không phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ khắt khe như Pfizer/BioNTech hay Moderna. Nó có thể bảo quản tới 6 tháng trong tủ chứa -18 độ C, hoặc 30 ngày nếu để ở dạng lỏng trong nhiệt độ 2-8 độ C.
Một lô vaccine Sputnik V được chuyển đến sân bay Ezeiza, Argentina. Ảnh: AFP. |
RDIF đánh giá hiệu quả của Sputnik Light vượt trội so với một số loại vaccine Covid-19 hai liều tiêm khác. Tuy nhiên, nó vẫn thấp hơn vaccine Sputnik V hai liều tiêm thông thường (91,4%).
Theo tạp chí Nature, một nghiên cứu chưa được công bố từ Bộ Y tế Buenos Aires ở Argentina cho thấy một liều Sputnik Light làm giảm số ca mắc Covid-19 có triệu chứng xuống 78,6%, tỷ lệ nhập viện xuống 87,6% và số ca tử vong chỉ còn 84,7%. Nghiên cứu được thực hiện trên 40.387 người đã tiêm vaccine và 146.194 người chưa tiêm chủng, độ tuổi 60-79.
Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật Gamaleya cũng khẳng định Sputnik Light chống được các biến chủng hiện có trên thế giới. Tuy nhiên, số liệu hiệu quả cụ thể chưa được công bố.
Trong khi đó, cuối tháng 6, theo TASS, Sputnik V có hiệu quả kháng biến chủng Delta và Delta Plus tới 90%. Theo người đại diện Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật Gamaleya, “chỉ số này thấp hơn đôi chút so với hiệu quả chống chủng nCoV ban đầu. Tuy nhiên, nó đủ để chống lại virus SARS-CoV-2 đột biến”.
Đồng thời, ông nhấn mạnh sự giảm sút này không đáng kể. Hiệu quả mà Sputnik V thể hiện trong quá trình nghiên cứu trên cao hơn so với các loại vaccine khác, đã thực hiện thử nghiệm tương tự ở nước ngoài. Tương tự Sputnik V, Sputnik Light cũng có giá 10 USD/liều.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.