Theo South China Morning Post, các hãng sản xuất vaccine Trung Quốc mới đây lên tiếng cảnh báo người dân nước này cẩn trọng trước những quảng cáo vaccine ngừa Covid-19 trên mạng xã hội. Các quảng cáo này đăng bán hai loại vaccine ngừa Covid-19 trên nền tảng WeChat có hơn 1 tỷ người dùng.
“Hãy liên lạc với tôi nếu bạn cần vaccine Covid-19. Loại vaccine này được sản xuất để xuất khẩu và lượng sản xuất tương đối nhỏ nên mọi người sẽ phải xếp hàng để mua. Vaccine của chúng tôi sẽ chính thức có mặt trên thị trường vào ngày 2/9 tới", một quảng cáo rao bán sản phẩm do Công ty Sinovac Biotech sản xuất viết.
Tuy nhiên, người phát ngôn Liu Peicheng của Sinovac khẳng định quảng cáo trên là giả mạo. Ông nói vaccine của công ty đang được nghiên cứu thử nghiệm ở giai đoạn 3 tại Brazil và Indonesia, và hiện chưa được phê duyệt để đưa ra thị trường.
Một sản phẩm khác được quảng cáo trên WeChat là vaccine do Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán phát triển. Đối tượng rao bán vaccine này hét giá 498 NDT (71 USD) một liều và khẳng định cần 3 liều mới có hiệu quả.
Một đăng tải quảng cáo sản phẩm được cho là vaccine ngừa Covid-19 với giá 498 NDT trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc. Ảnh: Weibo. |
“Các nhân viên y tế và người đi nước ngoài được ưu tiên tiêm vaccine này", quảng cáo trên WeChat viết. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Vũ Hán tuyên bố vaccine của viện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và chưa có mặt trên thị trường.
Ngành công nghiệp vaccine Trung Quốc từ lâu đã vướng phải hàng loạt bê bối liên quan tới vấn đề chất lượng khiến người tiêu dùng hoang mang. Trong những năm qua, chính quyền Trung Quốc tìm cách siết chặt các quy định về vaccine.
Năm 2018, cơ quan chức năng Trung Quốc đưa ra án phạt kỷ lục tới 9,1 tỷ NDT (1,3 tỷ USD) đối với Changchun Changsheng Biotechnology, một trong những công ty sản xuất vaccine phòng bệnh dại lớn nhất nước này. Công ty này buộc phải dừng sản xuất sau khi bị phát hiện đưa ra thị trường vaccine lỗi. Hàng trăm nghìn trẻ em bị tiêm loại vaccine lỗi này.
Theo Luật Quản lý Vaccine Trung Quốc, tổ chức và cá nhân không thuộc các cơ quan quản lý y tế của chính phủ không được phép cung cấp vaccine cho một đơn vị tiêm chủng thuộc bên thứ ba.
Luật sư Huang Simin ở Vũ Hán cho biết việc các cá nhân quảng cáo vaccine trên mạng xã hội là bất hợp pháp và cơ quan chức năng nên có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng này.
“Trung Quốc từ lâu đã có nhiều bê bối về vaccine và không phải chỉ đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì việc này mới nảy sinh. Có rất nhiều vấn đề trong khâu phân phối vaccine, dẫn tới hàng loạt sự cố y tế", luật sư Simin nói.
“Vì đại dịch đang diễn ra, ai cũng hy vọng sẽ có vaccine ngừa virus corona chủng mới và điều này khiến một số kẻ làm liều. Không phải ai cũng hiểu biết về các quy định nghiêm ngặt liên quan tới luật quản lý vaccine mới", luật sư nhấn mạnh.
Hình ảnh vaccine “Sinovac” được quảng cáo trên mạng xã hội WeChat. Ảnh: Weibo. |
Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) cho biết hiện có 6 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 3 - thử nghiệm rộng rãi trên người. Mỗi giai đoạn thử nghiệm kéo dài vài tháng và có số lượng người tham gia lên tới 30.000.
Wang Xinhua, Chủ tịch Đại học Y Quảng Châu (Trung Quốc) dự báo vaccine đầu tiên có thể được đưa ra thị trường vào nửa đầu năm 2021. “Hiệu quả của vaccine cũng phụ thuộc vào việc virus nCoV có phát triển đột biến hay không. Chúng tôi cần phải theo dõi tình hình đột biến", ông Xinhua cho biết.
“Để kiểm soát được virus, vaccine là công cụ quan trọng nhất. Trong xét nghiệm kháng thể trên quy mô lớn mới đây, tỷ lệ người có kháng thể chống virus nCoV tại tỉnh Quảng Đông là dưới 1%. Từ đó có thể thấy miễn dịch trong cộng đồng tại Trung Quốc ở mức tương đối thấp", ông bình luận.
Zhang Wenhong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Thượng Hải, dự báo đại dịch có thể kéo dài tới nửa đầu năm 2021, kể cả khi ngành y tế toàn cầu đã sản xuất một hoặc vài loại vaccine.