Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ủy viên Trung ương Đảng cần tư duy đổi mới'

"Chúng ta cần BCH Trung ương và những lãnh đạo chủ chốt biết trăn trở với sự tụt hậu của đất nước, để từ đó thúc đẩy nhanh hơn cuộc đổi mới lần 2", ông Vũ Mão trả lời Zing.vn.

- Đại hội Đảng khóa XII (20-28/1)sẽ lựa chọn Ban chấp hành Trung ương mới, theo ông tiêu chuẩn nào được đặt lên hàng đầu đối với Ủy viên Trung ương? 

- Cũng như đại hội trước, việc thay đổi nhân sự là điều tất yếu để những người lớn tuổi nhường chỗ cho những người trẻ tuổi hơn tham gia Ban chấp hành Trung ương (BCH TƯ). Nói về tiêu chuẩn thì luôn có hai yêu tố là Đức và Tài.

Ủy viên Trung ương phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, đó là điều tiên quyết. Nhưng nói cụ thể, khi chúng ta thừa nhận tham nhũng là quốc nạn thì vấn đề người dân quan tâm hàng đầu là người lãnh đạo có tham nhũng hay không? Vì vậy, tôi cho rằng, Ủy viên Trung ương phải là “người trong sạch”.

Thứ hai là về Tài, thế hệ lãnh đạo các cấp hiện nay có trình độ học vấn nhìn chung cao hơn ngày xưa. Tuy nhiên chúng ta chớ có chủ quan vì trình độ văn hóa khá hơn nhưng bản lĩnh và nhạy bén chính trị, trình độ lãnh đạo thì chưa chắc. Lãnh đạo phải nhạy bén với thời cuộc, phải tắm mình trong thực tiễn cuộc sống.

Ngoài ra, Ủy viên Trung ương phải là người có “tư duy đổi mới”, nắm bắt được tri thức nhân loại đồng thời là người hành động quyết đoán.

Ông Vũ Mão - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ khóa V tới khóa IX. Ảnh: Công Khanh.

- Ông nhắc đến con người hành động và tư duy mới. Vậy đặt trong bối cảnh sau 30 năm Đổi mới và trước nhu cầu một cuộc đổi mới lần hai, ông nhìn nhận thế nào về tầm quan trọng của các tố chất này?

- Như tôi đã nói, ngoài phẩm chất về Đức và Tài, Ủy viên Trung ương cần là người nói đi đôi với làm, là những con người hành động và dám đi tới cùng. Hiện, chúng ta có nhiều chủ trương đúng nhưng người thực hiện không dám đi tới cùng vì ngại đụng chạm hoặc lười suy nghĩ, thiếu trăn trở. Có thể nói, người vượt qua được các trở ngại này là người quyết đoán, dũng cảm.

Tại Đại hội VI, khi đất nước đang rơi vào khủng hoảng, nền kinh tế đã xuống tận đáy, đời sống nhân dân cùng cực, Đảng đã dám nhìn thẳng vào sự thật. Và từ đó vạch ra được con đường đổi mới, quyết tâm đưa đất nước đi lên.

Khi đó, chúng ta không thể kiêu ngạo cộng sản được. Không thể vỗ ngực Đảng ta lãnh đạo quá giỏi mà phải thấy Đảng ta có khuyết điểm nghiêm trọng. Đó là tinh thần dũng cảm nhận khuyết điểm trước nhân dân để nhận thức để tiến lên.

Ở Đại hội đó, chúng ta thấy những người tiên phong, trăn trở như tấm gương của Tổng bí thư Trường Chinh, sau đó những người nối tiếp thực hiện đổi mới là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Những người lãnh đạo dám làm, dám chịu trách nhiệm đã khiến cả bộ máy cuốn theo không khí đổi mới. Nhân dân cũng rất hào hứng chung tay với Đảng đưa đất nước tiến lên.

Infographic 200 ủy viên Trung ương Đảng khóa XI

Tháng 1/2011, Đại hội Đại biểu toàn quốc đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI với 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết. Zing.vn giới thiệu lại danh sách này.

- Tuy nhiên, không ít người cho rằng, do cơ chế “trói buộc”, do hoàn cảnh nên nhiều lãnh đạo chưa phát huy được phẩm chất của mình. Người dân cũng không cảm nhận đầy đủ về sự quyết đoán của lãnh đạo. Ông nghĩ sao?

- Đúng là có thực trạng cơ chế đang cản bước người tài. Người muốn thể hiện được mình phải có nỗ lực vô cùng lớn.

Tuy nhiên, cơ chế do chính con người đặt ra. Những người lãnh đạo cao cấp nhất, có trách nhiệm nhất phải nhìn ra những khiếm khuyết về cơ chế để sửa để phát huy được phẩm chất của các cá nhân.

Trước hết là về Điều lệ Đảng: Trong kỳ Đại hội này, tôi thấy hầu như không đề cập tới việc bổ sung Điều lệ Đảng để đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, như vậy là chưa có được nhận thức đúng mực. Như Hiến pháp quy định Quốc hội có 14 quyền hạn, nhiệm vụ. Uỷ ban Thường vụ có 12 quyền hạn, nhiệm vụ. Chủ tịch nước có 9 quyền hạn, nhiệm vụ... Còn Điều lệ Đảng chưa quy định rõ ràng nhiệm vụ quyền hạn từng cơ quan của Đảng.

Theo tôi cần quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của Ban chấp hành Trung ương, quyền hạn, nhiệm vụ của Bộ Chính trị, quyền hạn, nhiệm vụ của Tổng bí thư. Quy định như thế sẽ khắc phục tình trạng lạm quyền, làm thay. Điều lệ cũng cần quy định rõ về vai trò lãnh đạo và mối quan hệ lãnh đạo của Đảng với các cơ quan Nhà nước.

Tiếp đó là vai trò của những người lãnh đạo chủ chốt: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội phải là những người nhạy bén, đầy trách nhiệm trong việc đề xuất những chủ trương, chính sách để tháo gỡ những nút thắt để từ đó đưa ra Trung ương bàn thảo và quyết định. Có vậy mới phát huy được vai trò của từng người trong cơ quan lãnh đạo.

- Ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa XI hiện có 200 người, trong đó dự khuyết là 25. Ông đánh giá thế nào về số lượng, cơ cấu này?

- Một vấn đề mà tôi rất quan tâm là cần bố trí nhiều cán bộ trẻ vào ủy viên dự khuyết của cấp ủy để đào tạo. Theo tổng kết của tôi, ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960, số Ủy viên dự khuyết lên tới 70% so với chính thức. Đại hội IV, V, VI, có giảm nhưng vẫn chiếm 30-40%. Ngắt quãng mấy Đại hội tiếp theo chúng ta không có dự khuyết, đến Đại hội X, XI có Uỷ viên dự khuyết nhưng tỷ lệ cũng chỉ chiếm hơn 10%. Tôi cho như thế là quá ít, rất khó đào tạo cán bộ lãnh đạo trẻ.

Với tình hình hiện nay, tôi đề nghị cần đưa ra tỷ lệ ủy viên dự khuyết khoảng 30%. Với tỷ lệ Ủy viên dự khuyết và là những người trẻ tuổi thì không lo gì cho lớp lãnh đạo kế cận. Có lực lượng trẻ tuổi dồi dào dưới 40, chúng ta sẽ có nguồn đào tạo, có điều kiện đưa họ về cơ sở về địa phương lâu dài để được tắm mình trong cuộc sống và trưởng thành.

Ví dụ: Những người trẻ và có triển vọng ở cơ quan trung ương thiếu thực tiễn thì phải đưa về cơ sở một cách thực sự từ 5 năm đến 10 năm. Những cán bộ trẻ ở cơ sở còn thiếu tầm nhìn và thiếu ngoại ngữ thì cho đi học nước ngoài. Chính Bác Hồ đã tự mình bôn ba khắp năm châu bốn biển để có hiểu biết, có tầm nhìn xa trông rộng.

Đó mới chính là quy hoạch và luân chuyển đúng nghĩa, chứ không phải kiểu "chuồn chuồn đạp nước" để làm đẹp hồ sơ lý lịch.

- Là người nhiều năm tham gia Ban chấp hành Trung ương, qua quá trình hoạt động cũng như quan sát của mình, ông nghĩ thế nào về động lực đổi mới hiện nay?

- Sau Đại thắng mùa xuân 1975 thống nhất tổ quốc, đất nước hừng hực khí thế. Lúc đó chúng ta cho rằng, không có thể kẻ thù nào có thể xâm lược chúng ta được nữa và vạch ra bước tiến rất nhanh của đất nước. Đó là nhận định chủ quan và thực tiễn cách mạng đã dạy cho chúng ta bài học đau đớn khi đất nước tụt hậu.

Nhìn lại 30 năm Đổi mới, chúng ta thấy cần có một cuộc đổi mới lấy tinh thần Đổi mới tại Đại hội VI làm nền tảng nhưng phải vươn tới một tầm cao hơn. 

Thành tựu của 30 năm đổi mới là to lớn, không ai có thể phủ nhận được, nhưng bây giờ người ta vẫn đang nói quá nhiều về thành tích! Chúng ta là những người biện chứng nên cần phải thấy xã hội còn nhiều bất công, tỷ lệ nghèo còn lớn... Vì vậy, chúng ta phải nhận thức đúng thực trạng.

Chúng ta cần một Ban chấp hành trung ương và cả những cá nhân lãnh đạo chủ chốt biết trăn trở với sự tụt hậu của đất nước so với bạn bè thế giới, để từ đó thúc đẩy nhanh hơn một cuộc đổi mới lần thứ hai.

Trung ương xem xét trường hợp 'đặc biệt' tái cử

Diễn ra trong 3 ngày, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khai mạc sáng 11/1 tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự.

Ông Vũ Mão (sinh năm 1939), là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng liên tục 5 khóa (từ khóa V tới khóa IX), đại biểu Quốc hội 4 khóa VIII, IX, X, XI.

Trong quá trình công tác, ông từng trải qua nhiều vị trí như Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng và nhiều ủy ban của Quốc hội. Hiện ông là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia.


Nguyễn Hưng - Công Khanh thực hiện

Bạn có thể quan tâm