Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ủy ban Chứng khoán yêu cầu báo cáo dư nợ ký quỹ cổ phiếu 'họ FLC'

Cơ quan quản lý chứng khoán yêu cầu các công ty chứng khoán phải gửi báo cáo về số dư nợ cho vay ký quỹ (margin) với các cổ phiếu trong “họ FLC” trước ngày 8/4.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 5/4 đã có văn bản gửi các công ty chứng khoán yêu cầu báo cáo dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của một loạt cổ phiếu có liên quan ông Trịnh Văn Quyết và Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC).

Cụ thể, cơ quan quản lý chứng khoán cho biết để thực hiện công tác quản lý, giám sát về tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán trên thị trường theo quy định tại Thông tư 121/2020 của Bộ Tài chính, yêu cầu các công ty chứng khoán báo cáo về dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán đối với một số mã chứng khoán thuộc “họ FLC”.

Các cổ phiếu này bao gồm FLC (Tập đoàn FLC); AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone); KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS); ART (Chứng khoán BOS); HAI (Nông dược H.A.I); ROS (Xây dựng FLC Faros); GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC).

Yeu cau bao cao du no margin co phieu 'ho FLC' anh 1

Diễn biến các cổ phiếu trong "họ FLC" ngày 5/4. Ảnh: FireAnt.

Trong đó, Ủy ban Chứng khoán yêu cầu báo cáo cụ thể dư nợ cho vay margin của tất cả tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại công ty và số lượng chứng khoán ký quỹ làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay này, tương ứng với từng mã chứng khoán.

Theo yêu cầu của cơ quan quản lý, các công ty chứng khoán phải gửi báo cáo về Ủy ban trước ngày 8/4.

Đây là động thái tiếp theo của cơ quan quản lý chứng khoán liên quan vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Cơ quan công an cũng đã mở rộng điều tra các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán xảy ra ngày 10/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có quyết định xử phạt ông Trịnh Văn Quyết về hành vi bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên 10/1. Ngoài việc bị xử phạt 1,5 tỷ đồng, ông chủ Tập đoàn FLC còn bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 5 tháng.

Về giao dịch của các cổ phiếu trong “họ FLC”, sau chuỗi giảm sàn 3-4 phiên liên tiếp từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, các cổ phiếu này đã được giải cứu trong phiên 1/4 với khối lượng khớp lệnh cao kỷ lục. Nhóm cổ phiếu này sau đó cũng ghi nhận phiên tăng trần ngày 4/4.

Tuy nhiên, đến phiên 5/4 gần nhất, các cổ phiếu này đã quay đầu giảm mạnh gần chạm sàn. Hiện giá nhóm cổ phiếu này vẫn thấp hơn 20-25% so với trước thời điểm ông Quyết bị khởi tố.

Vì sao tổng giám đốc FLC không ký các văn bản công bố thông tin?

FLC cho biết tại thời điểm HoSE yêu cầu tập đoàn này công bố thông tin ngày 28/3, tổng giám đốc Bùi Hải Huyền không có mặt tại trụ sở nên không thể ký các văn bản theo thẩm quyền.

Cổ phiếu 'họ FLC' đồng loạt tăng trần

VN-Index đã có thời điểm vượt đỉnh lịch sử nhưng áp lực bán gia tăng khiến chỉ số điều chỉnh nhẹ và giằng co quyết liệt trong phiên sáng.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm