Đây là chia sẻ của bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tại cuộc họp Tiểu ban Khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc hội nghị thường niên lần thứ 48 của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO).
Cụ thể, chia sẻ tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết các nước thành viên đã lựa chọn chủ đề đúng đắn và phù hợp hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vượt qua khó khăn thời hậu Covid-19, thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển xanh và bền vững.
Theo bà Phương, Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam cũng luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng để phát triển, đặc biệt là sau đợt dịch bệnh vừa qua.
Toàn cảnh Cuộc họp Tiểu ban Khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: SSC. |
Liên quan thị trường chứng khoán trong nước, Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển mạnh trong nhiều năm qua, duy trì diễn biến sôi động, thanh khoản tốt và ngày càng khẳng định là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia.
Thị trường chứng khoán Việt Nam những năm gần đây là điểm đến tin cậy của nhiều nhà đầu tư trên thế giới và đặc biệt là trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Không chỉ ngày càng thuận lợi hơn trong việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, mà khi tham gia, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến rõ nét trong quản trị, minh bạch và phát triển bền vững…”, bà Phương nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thị trường chứng khoán theo hướng chất lượng, bền vững, Việt Nam đang tích cực phấn đấu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Đồng thời, kiên trì thực hiện tái cấu trúc thị trường dựa trên 4 trụ cột chính gồm cơ sở hàng hóa; tổ chức thị trường; cơ sở nhà đầu tư và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Theo kế hoạch, hội nghị lần này sẽ diễn ra đến hết ngày 15/6 tại Bangkok (Thái Lan). Khuôn khổ hội nghị sẽ bao gồm hàng loạt phiên họp thường niên từ các tiểu ban khu vực châu Á - Thái Bình Dương; châu Phi - Trung Đông; Liên châu Mỹ và châu Âu; tiểu ban các thị trường mới nổi; các cuộc họp hội đồng lãnh đạo của IOSCO và cuộc họp Đại hội đồng các chủ tịch, trưởng phái đoàn.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.