Sức mạnh của USD lên xuống khi giới đầu tư thận trọng về động thái tiếp theo của Fed. Ảnh: Reuters. |
Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 21/11, chỉ số USD - tính toán sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - đã tăng gần 1% lên sát ngưỡng 108 điểm, mức cao nhất trong hơn một tuần. Nhưng bước sang ngày 22/11, chỉ số này lao dốc xuống gần 107,5 rồi nhích nhẹ lên 107,67 điểm.
"Các biện pháp chống dịch Covid-19 gắt gao ở Trung Quốc đã thúc đẩy dòng tiền trú ẩn chảy vào đồng USD", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn có trụ sở ở Mỹ - bình luận với Zing.
"Nhưng đến nay, đà tăng của đồng bạc xanh đã mất nhiệt lượng", ông nói thêm.
Giới đầu tư thận trọng
Giới đầu tư đã trở nên thận trọng trước khi biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố. Những động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương Mỹ ngày càng trở nên khó đoán. Bởi các quan chức Fed liên tục đưa ra những nhận xét trái chiều.
Trong bình luận mới nhất, Chủ tịch Fed Francisco Mary Daly cảnh báo không nên thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức. Ở chiều ngược lại, Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cho biết bà không ủng hộ việc tạm dừng tăng lãi suất cho đến khi lạm phát hạ nhiệt "một cách bền vững".
Hôm 14/11, Phó chủ tịch Fed Lael Brainard cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể sớm giảm tốc độ tăng lãi suất.
"Tôi cho rằng việc giảm tốc độ tăng lãi suất là thích hợp", bà nói với Bloomberg. Vị quan chức xác nhận về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất nhẹ tay hơn, dù chưa dừng hẳn.
Biến động của chỉ số USD trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics. |
Thành viên Hội đồng Thống đốc Fed Christopher Waller cũng cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới.
Kể từ đầu năm đến nay, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, cơ quan này đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Trong năm nay, việc Fed mạnh tay tăng lãi suất đã thúc đẩy đà tăng trưởng mạnh mẽ của đồng USD. Chỉ số USD đã tăng 11,62% so với một năm trước đó. Cuối tháng 9, chỉ số này vọt lên gần 114 điểm, đánh dấu mức cao nhất trong hơn 20 năm.
Đà tăng phi mã của đồng USD cũng khiến euro lần đầu rẻ hơn USD sau 20 năm, còn bảng Anh có lúc tiến sát 1 USD đổi 1 bảng Anh.
Vị thế đồng tiền trú ẩn
Tuần trước, chỉ số USD rơi xuống đáy 3 tháng do báo cáo lạm phát thấp hơn dự kiến tại Mỹ và các dấu hiệu chỉ ra Fed sẽ nhẹ tay hơn trong việc tăng lãi suất. Nhưng đến nay, sức mạnh của đồng bạc xanh đã tăng 1,9%.
Mới đây, thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc, đã đóng cửa quận Bạch Vân để ngăn chặn đợt bùng phát Covid-19 lớn. Quận này là nơi sinh sống của 3,7 triệu dân.
Các biện pháp chống dịch Covid-19 gắt gao ở Trung Quốc đã thúc đẩy dòng tiền trú ẩn chảy vào đồng USD
Ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn có trụ sở ở Mỹ
Đầu tháng này, Trung Quốc thông báo đang nới lỏng một số biện pháp, nhưng vẫn theo đuổi mục tiêu Zero-Covid. Thủ đô Bắc Kinh vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19.
"Những rủi ro đối với triển vọng kinh tế toàn cầu có thể không tồi tệ như vài tháng trước. Tuy nhiên, đà phục hồi của đồng USD vẫn sẽ mạnh mẽ bởi giới đầu tư coi đồng bạc xanh là kênh trú ẩn an toàn", ông Moya giải thích.
"Dù đã điều chỉnh giảm, chỉ số USD có thể vẫn ở mức cao trong tuần này", vị chuyên gia dự báo.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 0,13% và 0,39%. Riêng chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ mất 121,55 điểm, tương đương 1,09%.
Giá của mỗi ounce vàng giao ngay trên sàn New York cũng giảm 12,9 USD về 1.738,2 USD.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...