Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ước vọng đầu xuân của lão nông nuôi 200 con dê

Trong năm Ất Mùi, ông chẳng mong gì nhiều, chỉ ước đàn dê nhà luôn khỏe mạnh, đẻ thật nhiều, mau ăn chóng lớn và "chúc cho những hộ nuôi dê trên toàn quốc bội thu...".

Đó là những tâm sự bộc bạch của người đàn ông nuôi dê Trần Văn Thuấn (55 tuổi), ở làng Hà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Tìm đến vùng đất này hỏi nhà ông ai cũng hóm hỉnh nói: "Hỏi nhà Thuấn dê hả?".

Đặt chân chạm ngõ, chúng tôi thấy ôngThuấn đang cặm cụi cắt cỏ ngoài vườn. Có khách, ông buông liềm, chạy vào hồ hởi: "Vào nhà, vào nhà uống nước". Sau khi biết ý định của chúng tôi, muốn tìm hiểu và viết một bài về trang trại nuôi dê, ông trầm ngâm một lúc, rít điếu thuốc lào rồi nói : "Tớ ngại lắm, nhà tớ cũng nuôi dê bình thường như các hộ khác, có gì để viết?".

Qua hàn huyên tâm sự một hồi, ông bộc bạch: "Nói thật với cậu, trước đây tớ là giáo viên, nhưng do hoàn cảnh gia đình lúc ấy không cho phép theo nghiệp trồng người nữa nên đành bỏ lỡ ước mơ trên bục giảng....". Nói đến đó, đôi mắt ông nhìn theo làn khói thuốc tan, kéo ký ức lão trôi về quá khứ.

Năm 1982, chàng thanh niên Trần Văn Thuấn thi đậu vào trường Trung cấp Sư Phạm Hà Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giáo viên trường làng, kiêm công tác đoàn, hội, đội của xóm xã. Trong quá trình hoạt động đoàn, ông gặp và đem lòng yêu thương cô thôn nữ Trần Thị Hạnh (SN 1969).

Năm 1990, hai người nên duyên chồng vợ, đứa con trai đầu lòng ra đời. Cứ ngày ngày chồng đến trường dạy, vợ hoạt động công tác đoàn ở địa phương, chăm bẵm con gà con lợn, cuộc sống của gia đình nhỏ tuy còn nhiều khó khăn nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười đầm ấm.

Ông Thuấn hồi tưởng về quá khứ.
Ông Thuấn hồi tưởng về quá khứ.

Nhưng niềm vui "ngắn chẳng tày gang", tai họa ập đến, vừa lên 2 tuổi, đứa con đầu lòng bé bỏng của họ bị chứng u não ác tính. Chị Hạnh vật vã trong tuyệt vọng, còn ông Thuấn cũng chính vì thế mà bỏ cả việc dạy bế con đi khắp nơi tìm thầy, thuốc cứu chữa.

Nhưng, dù có cố gắng đến đâu thì vợ chồng ông cũng không thể giúp đứa con thân yêu của họ tránh khỏi lưỡi hái tử thần, ông Thuấn vì thế mà chán nản, bỏ luôn việc dạy ở nhà.

Bẵng đi mấy năm, gia đình họ lại rộn rã và bi bô tiếng trẻ nhỏ, 1 gái, 1 trai lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc tột độ, điều này đã giúp ông Thuấn tự nhủ cần phải đứng dậy, cần phải sử dụng trí óc và đôi tay lực lưỡng của mình để nuôi vợ, chăm các con. Ông bắt đầu tìm hiểu về các mô hình chăn nuôi và nhận thấy dê là con vật dễ nuôi, dễ chăm.

Ban đầu ông góp nhặt tiền vay bạn bè 2 con dê (1 đực, 1 cái) rồi xây trang trại theo mô hình VAC. Từ hai con dê đó, dần dần trang trại của ông lên đến 8 con, rồi 20 con và con số ấy cứ nhân dần lên. Đến nay, đã có đến gần 200 con dê.

Ông Thuấn hồi tưởng về quá khứ
Đàn dê của ông Thuấn.

Nhờ nuôi dê và kết hợp mô hình VAC, gia đình ông dần sung túc. Trang trại của ông dần trở thành trung tâm cung cấp dê giống, dê thịt các loại. Giống dê mà ông nuôi chủ yếu là giống dê nội đồng (dê ré, dê cỏ).

Những lúc thả đàn dê ra đồng tắm nắng gặm cỏ, gặp lại các học trò cũ, họ vẫn cung kính gọi ông một tiếng: "Thầy". Ông cảm thấy ấm áp trong lòng, cái nghiệp trồng người ông không thể theo trọn kiếp nhưng giờ đây ông đã trở thành bậc "thầy" trong lĩnh vực nuôi dê.

Những người nghe tiếng ông đều đến đây tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, ông không hề giấu giếm mà tỉ mỉ chỉ dạy phương pháp, quy hoạch vườn trại và cách phòng chống bệnh cho dê.

Hỏi về ước vọng trong năm mới, bà Hạnh vợ ông Thuấn hồ hởi nói: "Gia đình tôi nhờ con dê mà sung túc, chính vì thế, trong năm dê sắp tới tôi có ước vọng đàn dê nhà mình và các hộ nuôi dê thật khỏe mạnh, sinh sôi phát triển đều. Mong nhà nước có chính sách hỗ trợ và quan tâm hơn nữa đối với người nông dân để họ đón một cái tết sung túc, ấp áp no đủ hơn".

http://congly.com.vn/xa-hoi/viec-lam/uoc-vong-dau-xuan-cua-lao-nong-nuoi-de-81590.html

Theo Nguyễn Đình Kim Cương/Công lý

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm