Cuối cùng, tôi quyết định rời nhóm Sweet Inspirations để dành thời gian chăm sóc Nippy, Gary và Michael. Nhưng tôi phải tìm cách giải bài toán kinh tế cho gia đình.
Nhóm Sweet Inspirations từng trình diễn mở màn nhiều lần cho các nghệ sĩ danh tiếng, cộng với kinh nghiệm hát bè mười năm có thể giúp tôi ngay lúc này.
Đã đến lúc tôi tìm kiếm cơ hội bằng một bản hợp đồng với tư cách ca sĩ hát đơn. Đây là lúc John vận dụng tất cả kinh nghiệm học hỏi được từ nhóm làm việc của Elvis. Anh ấy biết nhiều điều hữu ích về ngành công nghiệp âm nhạc và không mấy khó khăn tìm ra cách bắt đầu.
John liên hệ với Charles Koppelman, người điều hành âm nhạc cho hãng đĩa mới toanh với tên Commonwealth United. Với vai trò ca sĩ hát đơn, hãng đĩa đã kí khoản tạm ứng 15.000 đôla để tôi thực hiện album đầu tay vào năm 1970 với tên gọi Presenting Cissy Houston.
Số tiền tạm ứng đó giúp gia đình tôi có thể rời khỏi khu phố Wainwright. Ngay lập tức, John cùng tôi tìm được ngôi nhà mới bốn phòng ngủ cùng những bức vách màu trắng tại số 362 phố Dodd, thành phố East Orange.
Bọn trẻ yêu thích nơi này. Lần đầu tiên trong đời, chúng được ở phòng riêng và còn có hẳn hồ bơi lớn phía sân sau. Vì tầng hầm rộng lớn, John bài trí thêm bàn chơi bi-da. Tầng hầm cũng trở thành studio để chúng tôi luyện thanh. Bỏ lại nỗi lo lắng sau khi rời nhóm Sweet Inspirations, tôi đã có cuộc sống mới đáng kì vọng.
Tôi vẫn đến New York làm việc theo lịch trình thu âm, nhưng không còn bận rộn như trước. Cuối cùng, tôi cũng có thời gian dành cho bọn trẻ. Hồ bơi sân sau đã biến nhà chúng tôi thành nơi lui đến thường xuyên của người thân, bạn bè. So với thời gian ở nhà cũ, chúng tôi được gặp gỡ, giao tiếp với mọi người nhiều hơn.
Nippy (tên gọi thân mật của Whitney) gần như dành cả mùa hè năm ấy chỉ để bơi lội. Con bé thỉnh thoảng chơi bi-da dưới tầng hầm. John thường xuyên bận bịu ở sân sau nướng bánh mì kẹp thịt, xúc xích cho bọn trẻ con hàng xóm thường sang nhà chúng tôi dùng bữa và bơi lội. Đôi lúc, vài đứa còn ngủ lại dưới tầng hầm mà chúng tôi không hề hay biết. Nippy, Michael và Gary luôn xem mọi người như gia đình.
Bọn trẻ đối xử quá tốt với mọi người. Nhưng tôi không thoải mái khi thấy con mình không hiểu được giới hạn của sự tử tế. Bọn trẻ sẵn sàng tặng tất cả mọi thứ cho bạn bè, ngay cả khi đó là đồ tôi mua cho chúng.
Sách Thương nhớ Whitney. Ảnh: Hà Vũ. |
Khi biết chuyện, tôi đã tức giận: “Các con làm gì vậy? Tại sao lại tặng tất cả quần áo cho người khác?” Tôi nghĩ điều đó bắt nguồn từ suy nghĩ trẻ con của Nippy, Michael và Gary. Bọn trẻ cảm thấy có lỗi khi chúng may mắn được ở nhà đẹp, hồ bơi riêng và mọi thứ tiện nghi khác.
Chúng muốn san sẻ với những người không được may mắn. Tính hào phóng không xấu, nhưng tôi phải ngồi xuống trò chuyện cùng bọn trẻ: “Mẹ đã làm việc rất chăm chỉ để có tiền. Mẹ không phiền khi các con biết san sẻ. Nhưng các con nên biết giới hạn của sự tử tế".
Tính phóng khoáng đã tồn tại trong Nippy ngay từ khi con bé còn nhỏ. Tôi nhớ một lần nọ, Nippy xem tivi và thấy Michael Jackson trong nhóm Jackson Five. Con bé tuyên bố với tôi rằng: “Mẹ ơi! Lớn lên con sẽ kết hôn với anh đó!”
“Có thật con muốn kết hôn với Michael Jackson không?”, tôi hỏi.
“Dạ đúng. Con sẽ kết hôn cùng anh ấy và trở thành siêu sao. Khi đó, con sẽ mua tặng mẹ một ngôi nhà”, Nippy đáp.
“Mẹ cảm ơn con nhé, Nippy!” Tôi mỉm cười cùng cô con gái nhỏ nhưng đã biết ôm ấp giấc mơ lớn lao.
Tôi yêu cả hai cậu con trai, nhưng Nippy là đứa con gái út và là cả trái tim của tôi. Con bé rất đáng yêu, thân thiện, hòa đồng và hướng ngoại ngay khi còn bé.
Ngày ấy, tôi thường đưa Nippy đến ngân hàng hoặc siêu thị để rèn luyện tính tự lập cho con bé. Tôi mặc cho Nippy những bộ trang phục bé xíu, đáng yêu. Đính dây ruy băng lên tóc con bé. Tôi phải chú ý đến con gái mình mọi lúc vì Nippy thường bắt chuyện với người lạ. Đại loại như: “Chào buổi sáng ạ!” Con bé chào hỏi thân thiết với tất cả như thể từng quen biết họ.
“Con không nên đến gần người xa lạ và trò chuyện với họ như vậy, Nippy. Thậm chí con còn chẳng biết họ là ai”, tôi bảo con bé.
“Ôi, không sao đâu, mẹ ơi!” Nippy sẽ luôn nói như vậy mỗi khi không thích điều tôi dạy bảo.
Tôi đã nhiều lần giải thích vì sao Nippy không nên tiếp xúc người lạ. Nhưng con bé vẫn nhìn tôi bằng đôi mắt to tròn và lặp lại: “Ôi, không sao đâu, mẹ ơi!” Nippy nghĩ mọi người đều là bạn. Đó là lí do con bé tổn thương khi nhận ra sự thật không như nó nghĩ.
[…]
Khi Nippy được chín hoặc mười tuổi, con bé mơ ước trở thành ca sĩ. Vì vậy, Nippy thường lén xuống studio dưới tầng hầm, lấy trang phục của mẹ mặc vào. Con bé tự trang điểm, đeo hoa tai, cố nhét người vào chiếc váy, bước đi khập khiễng trên đôi giày cao gót khổng lồ. Michael trông thấy cảnh đó và chạy đi mách mẹ, còn tôi chỉ nói: “Con cứ mặc con bé. Đừng ngăn cản nó!”
Bằng cách nào đó, Nippy thuyết phục Michael cùng một trong những anh em họ chơi trò thành lập ban nhạc. Bọn trẻ dùng chổi nện vào xô nước vờ làm trống. Thời điểm đó, Nippy rất yêu thích Sonny và Cher. Vì thế con bé mặc váy, đội tóc giả của mẹ giả làm Cher.
Nippy thay trang phục hai đến ba lần như Cher thật. Michael bị buộc vào vai Sonny. Thằng bé không thích trò nhập vai này nhưng vẫn đứng hát. Nippy nói: “Cưng à... em hiểu rồi!” cùng nhiều câu kinh điển khác của Cher.
Con bé cười tươi rồi hét lớn: “Chơi một đoạn lướt qua tất cả các phím đàn nào, Michael!”. Nippy đã có màn chào sân hoàn hảo như vậy đấy, dù chỉ là trò chơi dưới tầng hầm cùng anh trai.
Một lần khác, bọn trẻ bày trò “múa ballet”. Nippy đi xuống cuối hành lang, sau đó lao thật nhanh vào Michael như một chú linh dương. May mắn thay, Michael không đỡ hụt, nếu không mặt con bé có thể đã đập thẳng xuống sàn. Thỉnh thoảng, Nippy xuống tầng hầm một mình và hát to đến mức John phải phàn nàn: “Em có cách nào cho con bé im lặng được không?”
“Không, em sẽ không bắt con bé im lặng! Con bé đang tập cho phổi khỏe mạnh. Con gái chúng ta muốn hát", tôi nói với chồng.