UNICEF cho biết thế giới sẽ không thể xóa bỏ tình trạng tảo hôn trước năm 2030 nếu tốc độ sụt giảm vẫn giữ ở mức hiện tại. Ảnh: Reuters. |
Theo báo cáo được công bố hôm 2/5, tuy tình trạng tảo hôn đã suy giảm trên toàn cầu, UNICEF nhận định với tốc độ hiện tại, tình trạng trên sẽ không được xóa bỏ vào năm 2030, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
"Tin tốt là tình trạng tảo hôn đang sụt giảm trên toàn cầu. Trong 10 năm qua, tỷ lệ kết hôn ở trẻ em đã giảm từ mức 23% xuống còn 19% tổng số các cuộc hôn nhân trên toàn cầu", bà Claudia Cappa, tác giả chính của báo cáo cho biết.
"Tuy nhiên, tốc độ sụt giảm không đủ nhanh để đạt được mục tiêu loại bỏ tình trạng tảo hôn trước năm 2030 khi vẫn có 12 triệu bé gái dưới 18 tuổi kết hôn hàng năm. Nếu tình hình không thay đổi, chúng ta sẽ cần 300 năm nữa để xóa bỏ hoàn toàn các cuộc hôn nhân của trẻ dưới 18 tuổi", bà bổ sung.
Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 640 triệu bé gái và phụ nữ kết hôn trước khi họ đủ 18 tuổi.
"Tình trạng tảo hôn có nhiều nguyên nhân khác nhau tùy vào mỗi quốc gia. Tuy nhiên, một số điểm chung chính là tình trạng nghèo đói và thiếu cơ hội phát triển dành cho các bé gái. Tình trạng bất bình đẳng giới, mang thai trước khi kết hôn và luật pháp lỏng lẻo cũng là một số nguyên nhân của xu hướng này", tác giả báo cáo nhận định.
Việc sụt giảm tỷ lệ tảo hôn tại khu vực Nam Á, nơi chiếm 45% các cuộc hôn nhân của trẻ em dưới 18 tuổi, là một điểm tích cực. Tuy nhiên, tại khu vực hạ Sahara của châu Phi, cứ 3 bé gái lại có một em kết hôn.
Khu vực Tây Phi và Trung Phi có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới. Trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất toàn cầu, có 7 nước đến từ khu vực này.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.