Bowo Sidik Pangarso là một nhà lập pháp Indonesia bị bắt giam hồi tháng 3 với cáo buộc biển thủ công quỹ từ một công ty phân bón. Trong quá trình điều tra, nhà chức trách đồng thời phát hiện người này có một hòm thiếc đựng khoảng 400.000 phong bì chứa tổng lượng tiền mặt lên tới gần 600.000 USD.
Cơ quan chống tham nhũng Indonesia tin rằng số tiền này được sử dụng cho chiến thuật "Tấn công lúc bình minh", một phương pháp được sử dụng phổ biến tại quốc gia Đông Nam Á này mỗi dịp bầu cử, khi các phe phái chính trị trả tiền để các cử tri thay đổi lá phiếu của mình.
Indonesia đang phải vật lộn với nạn tham nhũng ở mọi cấp độ của xã hội, trong đó quốc hội nước này bị đánh giá là một trong những cơ quan tham nhũng nặng nề nhất.
Cuộc bầu cử tại Indonesia sẽ diễn ra vào ngày 17/4. Ảnh: Indonesia Today. |
Khoảng 192 triệu cử tri Indonesia sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu vào tuần tới, chọn ra các thành viên cơ quan lập pháp và vị trí tổng thống. Với tổng cộng 245.000 ứng cử viên, cao kỷ lục trong lịch sử, cuộc bầu cử ngày 17/4 được đánh giá là thử thách to lớn với Ủy ban Phòng chống Tham nhũng của Indonesia.
Tới nay, hàng chục vụ gian lận mua phiếu bầu đã được cơ quan này phát hiện.
"Vụ án của Pangarso cho thấy chính trị và tham nhũng có quan hệ gắn bó mật thiết. Các ứng viên đưa tiền cho nhiều người nhất có thể, với hy vọng có thể có được lá phiếu từ họ", Almas Syafrina, chuyên gia từ Tổ chức Theo dõi Tham nhũng Indonesia, nhận xét.
Đòi tiền cho mọi thứ
Sapta Firdaus, một nhà lập pháp 37 tuổi tại quận Bengkulu, Sumatra, cho biết đã có bài học đầu tiên về hiện trạng nạn mua phiếu bầu khi chạy đua lần đầu năm 2014.
"Rất nhiều người đòi tôi phải đưa họ tiền. Họ hỏi tôi sẵn sàng chi ra bao nhiêu tiền để đổi lấy sự ủng hộ của họ", ông Firdaus cho biết.
Không chỉ những người lạ mặt, ngay cả các thành viên gia đình của các chính trị gia cũng đưa ra yêu cầu tiền bạc để đổi lấy lá phiếu ủng hộ. Ông Firdaus cho rằng đòi hỏi thù lao cho bất cứ việc gì đã trở thành một thói quen trong xã hội Indonesia.
Cảnh sát thu 400.000 phong bì chứa tiền mặt của ứng viên Bowo Sidik Pangarso. Ảnh: AFP. |
Theo một số thống kê không chính thức, cứ 3 lá phiếu cử tri thì 1 phiếu đã bị mua trong cuộc bầu cử năm 2014.
Nhiều ứng cử viên đã trực tiếp xuống các địa điểm bỏ phiếu để phát tờ rơi, thực chất là một hình thức mua phiếu, để bảo đảm các cử tri ủng hộ không bỏ phiếu cho ứng viên khác, môt nghiên cứu năm 2017 của Trung tâm nghiên cứu Đông Á cho biết.
Một số ứng viên thừa nhận đã thuê các nhà môi giới để tiếp cận nhóm cử tri nòng cốt của đối thủ, ra giá cao hơn để mua lấy lá phiếu.
Các ứng viên "nhạy cảm với thị trường" ra giá cho các lá phiếu dựa trên nguồn lực tài chính của mình, quy mô khu vực bầu cử và tiềm lực đối thủ của họ.
Một số tài liệu khác cho thấy các ứng viên vô danh có xu hướng mua phiếu khi phải đối đầu với các đối thủ là ngôi sao hoặc người nổi tiếng.
"Bạn có thể đăng quảng cáo về bản thân ồ ạt, hoặc đơn giản là đi mua phiếu. Điều này đúng với cả các nhà lập pháp đương nhiệm, đặc biệt những người hiếm khi đến các khu vực bầu cử và tiếp xúc với cử tri", các chuyên gia nhận định.
Đối với nhiều người Indonesia, các tài liệu tranh cử không quan trọng bằng những thứ thiết thực trong cuộc sống, ví dụ như gạo, đường, dầu ăn.
"Mọi người biết rằng một khi đã trúng cử, các ứng viên sẽ không quay lại những khu vực bầu cử này nữa. Vì vậy họ coi thời gian bầu cử là cơ hội để đạt được một số lợi ích", Syafrina cho biét.
Tham nhũng ở mọi nơi
Trước nạn tham nhũng trầm kha, chính quyền trung ương tại Jakarta tuyên bố sẽ cứng rắn, thế nhưng thách thức vẫn là vô cùng lớn.
Tháng trước, một nhân vật ủng hộ chủ chốt của Tổng thống Joko Widodo đã bị bắt trong một vụ án tham nhũng. Trong khi đó, hàng chục người từng ngồi tù vì tham nhũng hiện lại tiếp tục chạy đua vào quốc hội Indonesia lần này.
192 triệu cử tri Indonesia sẽ tham gia bỏ phiếu trong tuần tới. Ảnh: AFP. |
Tommy Suharto, con trai cố tổng thống Suharto từng cầm quyền trong 30 năm, thời kỳ được coi là tham nhũng tồi tệ nhất lịch sử Indonesia, cũng chạy đua cho một ghế tại quốc hội. Năm 2002, Tommy bị cáo buộc ra lệnh ám sát thẩm phán Tòa án tối cao, người từng tuyên án ông này vì tham nhũng.
Bất chấp nhiều thách thức, cơ quan chống tham nhũng Indonesia đã đạt được một số chiến thắng, trong đó có án tù 15 năm dành cho cựu chủ tịch quốc hội Setya Novanto vì nhận hối lộ nhiều triệu USD.
Trong một cuộc biểu tình mới đây tại Jakarta, những người tham dự cho biết tình trạng mua phiếu bầu đang ngày càng lan rộng.
"Tình trạng này xảy ra ở khắp mọi nơi, nhiều người sẵn sàng nhận tiền và thay đổi quyết định trên lá phiếu, một số người thậm chí sẵn sàng nhận tiền bất kể họ bầu cho ai", một cử tri 33 tuổi tên Gustia Ningsih cho biết.
Chính trị gia 37 tuổi Firdaus cho biết sẽ tái tranh cử tại Bengkulu. Ông này hứa sẽ tiến hành chiến dịch chạy đua trong sạch, bất chấp những lời đề nghị khiếm nhã về tài sản.
"Tôi chỉ nói với họ là tôi đang dựa vào chính sách mà mình đưa ra, tôi sẽ chứng minh khi được bầu", ông Firdaus nói.