Chiều 3/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017, thông tin về những vấn đề kinh tế - xã hội nổi bật trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm cũng như sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng.
- Zing.vn: Các doanh nghiệp Mỹ có những cam kết gì về hợp tác thương mại và chuyển giao công nghệ? Chính phủ đánh giá thế nào với việc doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đầu tư ở sàn chứng khoán Mỹ?
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Hiện doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam 835 dự án với tổng vốn đăng ký là 10,2 tỷ USD, kim ngạch hai chiều hai nước đạt được là 51 tỷ USD. Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ là 19 tỷ và xuất siêu 32 tỷ USD.
Sau hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Donal Trump nêu rõ Việt Nam là 1 trong 16 nước xuất siêu sang Mỹ. Vậy bài toán như thế nào? Thủ tướng đã trả lời và khẳng định Việt Nam không cạnh tranh với Mỹ mà hai nước chỉ tạo ra các lợi thế hỗ trợ và bổ sung cho nhau.
Ví dụ, chúng ta sẽ mua các động cơ của Boeing, thiết bị nhà máy điện gió. Và chúng ta xuất khẩu các lợi thế của mình như nông nghiệp chế biến. Như lãnh đạo Bộ Công Thương nói chúng ta có rau, củ quả, cá ba sa...
Cũng trong chuyến thăm khi Thủ tướng thăm cửa hàng của con gái Tổng thống Mỹ và thấy rằng thương hiệu của Việt Nam có lợi thế như hàng may mặc.
Khi đặt vấn đề đảm bảo lợi ích của hai bên, Thủ tướng đã nêu câu chuyện giày Nike, khi giá 100 USD thì Việt Nam chỉ hưởng 22 USD. Trong 78 USD còn lại thì toàn bộ 55 USD chi phí bán lẻ là người Mỹ hưởng. Cho nên nói là sản xuất tại Việt Nam nhưng người Mỹ hưởng lợi hơn người Việt Nam.
- Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Liên quan đến chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Mỹ, gần 100 doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã tham gia. Kết quả của chuyến đi đã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng ta rất vui mừng chuyến đi có sự thành công hết sức tốt đẹp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải. Ảnh: VTV. |
Đóng góp cho sự thành công đó chính là sự phối hợp giữa cộng đồng của doanh nghiệp hai nước. Khi các doanh nghiệp Việt Nam có mong muốn phát triển tại thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ cũng có những đề xuất với thị trường Việt Nam. Con số 10 tỷ USD được ký giữa các doanh nghiệp hai nước đã nói lên nhiều điều.
Về việc Việt Nam có khả năng tiếp nhận các công nghệ hiện đại hay không, chúng ta mong muốn đẩy mạnh được khả năng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ từ thủy - hải sản, dệt may trên phương châm hợp tác hai bên cùng có lợi. Doanh nghiệp Việt Nam cũng ký kết máy móc thiết bị chuyển giao công nghệ.
Sau chuyến đi này, việc quan trọng là thực hiện cam kết những gì đã ký kết của chuyến đi. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ cho sự phát triển của cả hai cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ.
- Zing.vn: TP.HCM đã triệt phá đường dây tổ chức sản xuất ma túy tổng hợp, ma túy đá lớn. Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP. HCM, cho rằng có sự lỏng lẻo trong việc quản lý các chất tiền chế khi cơ quan chức năng thu giữ được hơn 120 kg chất bột để sản xuất ma túy. Bộ Công Thường và Bộ Y tế có quan điểm gì về vấn đề này?
- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: Tiền chất rất quan trọng trong khám chữa bệnh. Nếu không có tiền chất thì Bộ Y tế không thể sản xuất thuốc chữa bệnh.
Nhưng cũng có một số đối tượng, tổ chức phi nhân đạo đã sử dụng để sản xuất các chất gây hại. Đây không phải lần đầu tiên có việc tiền chất bị các đối tượng phi nhân đạo sử dụng sản xuất ma túy.
Quản lý các chất tiền chế liên quan tới thắt chặt việc cấp visa nhập khẩu và quan trọng nhất là khâu quản lý.
Ngay cả phía Bộ Y tế cũng cần sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công Thương để phát hiện ra các tổ chức phi nhân đạo sử dụng sai mục đích của các chất tiền chế.