Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ứng dụng gọi xe viApp đặt mục tiêu lớn khi vừa ra mắt

Ra mắt ngày 8/10, viApp kỳ vọng chiếm 20% thị phần taxi công nghệ tại Việt Nam với tính năng đặt xe "một chạm" nổi bật.

Hải Minh (26 tuổi, TP.HCM) là nhân viên khảo sát thị trường của một công ty sản xuất đồ uống. Mỗi tháng một lần, Hải Minh và đồng nghiệp cùng đến các điểm bán lẻ để tìm hiểu thực tế nhu cầu của người tiêu dùng cũng như ghi nhận phản hồi từ đại lý.

“Chúng tôi gọi taxi công nghệ để di chuyển giữa các địa điểm, nhưng thường chỉ đặt qua ứng dụng với cuốc đầu tiên. Sau đó, tôi nhờ tài xế chở ngoài và tính tiền tương tự ứng dụng. Điều này tiện cho chúng tôi hơn việc gọi từng cuốc xe riêng lẻ, nhưng lại khiến tài xế không thoải mái, vì họ không được ghi nhận năng suất và tiền thưởng”, Hải Minh chia sẻ.

Thực tế, nhu cầu gọi xe đến nhiều địa điểm, hoặc không rõ chính xác điểm đến khá phổ biến. Tuy nhiên, đến nay, chưa có ứng dụng gọi xe nào có thể giải quyết triệt để vấn đề này. Taxi truyền thống thường có mức phí cao hơn taxi công nghệ, còn taxi công nghệ hiện chỉ có thể đặt tối đa 2 điểm dừng trong một lần. Tính năng kết nối với tài xế gặp ngay trên đường chỉ áp dụng với xe máy.

viApp anh 1

ViApp chính thức gia nhập thị trường gọi xe từ 8/10 với ưu đãi đồng giá 1.000 đồng/chuyến đi bằng xe máy và 10.000 đồng/chuyến đi bằng ôtô.

Đặt chân vào ngành sau những tên tuổi lớn khác, viApp tạo khác biệt với tính năng sử dụng đồng hồ điện tử, tính tiền theo lộ trình thực tế như mô hình taxi truyền thống. Theo đó, khách hàng có thể thực hiện chuyến đi chỉ bằng "một chạm", không cần nêu rõ điểm đến, không tốn thời gian gọi đến tổng đài và chờ xe đến đón.

Với hình thức này, người dân có thể “vẫy” một chiếc taxi công nghệ ngay trên đường, quét mã QR để có đầy đủ thông tin hành trình và tài xế. Từ phía tài xế, họ cũng có thể mở rộng tệp khách hàng.

Đại diện viApp cho biết hãng đặt mục tiêu chiếm lĩnh 50% thị trường taxi truyền thống. Đồng thời, với các chiến lược dài hạn được đầu tư bài bản, doanh nghiệp cũng mong muốn đạt 20% thị phần xe công nghệ tại Việt Nam.

Trước mắt, doanh nghiệp kỳ vọng đạt 300.000 lượt tải về trong 3 tháng đầu hoạt động. Hiện tại, với các quãng đường dưới 5 km, viApp áp dụng mức giá trải nghiệm chỉ 1.000 đồng/chuyến bằng xe máy và 10.000/chuyến bằng ôtô.

viApp anh 2

Tính năng đồng hồ điện tử được coi là át chủ bài của viApp.

Sự xuất hiện của ứng dụng thuần Việt viApp trong thời điểm này khiến thị trường thêm sôi động. Theo báo cáo của Google và Temasek, quy mô thị trường gọi xe Việt Nam khoảng 500 triệu USD, với bình quân mỗi năm tăng hơn 40%. Đến năm 2025, thị trường sẽ đạt ngưỡng 2 tỷ USD, với tốc độ tăng 29%/năm.

Thông qua tính năng nổi bật là đồng hồ điện tử, viApp khắc phục được việc khách hàng không biết trước số tiền cần thanh toán do chưa có thông tin quãng đường di chuyển từ đầu.

Hướng đi mới lạ và sự hỗ trợ tối đa cho đối tác tài xế là điểm cộng lớn của ứng dụng thuần Việt này. Hãng cho biết chỉ thu 5% phí trên các chuyến xe, đồng thời chi trả 15.000 đồng cho mỗi lần tài xế giới thiệu một khách hàng mới cài đặt ứng dụng.

viApp anh 3

Tính năng đặt xe một lần chạm nhanh chóng tiện lợi và thêm sự kết hợp với Momo là một điểm khác biệt của viApp.

Dựa trên sự giao thoa giữa mô hình truyền thống và công nghệ hiện đại, viApp còn kỳ vọng cung cấp nền tảng hoặc ứng dụng quản lý cho các công ty dịch vụ vận chuyển. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các doanh nghiệp đều đẩy mạnh chuyển đổi số.

Trước thông tin được rót vốn bởi một nhà đầu tư nội địa từng đứng sau một số startup thành công, viApp được đánh giá là có nhiều tiềm năng trong cuộc đua ứng dụng gọi xe công nghệ trong thời gian tới.

Diệp Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm