Ứng dụng biến báo mạng thành báo nói của người Việt
Được phát triển bởi một nhóm bạn có tuổi đời còn rất trẻ, phần mềm ViNAS và trình duyệt iSolar Browser đã giành được giải nhì nhóm sản phẩm CNTT triển vọng tại cuộc thi “Nhân tài đất Việt”.
ViNAS là chữ viết tắt của Vietnamese News Reading Assistant, hoạt động dưới dạng một công cụ trợ giúp, cho phép người dùng nghe nội dung trên các trang báo mạng thay vì đọc nội dung. Hiện tại, ứng dụng này đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng, hứa hẹn ra mắt thị trường trong thời điểm cuối năm nay.
Người dùng có thể vừa nghe đọc báo từ ViNAS vừa thực hiện các tác vụ khác. |
ViNAS hoạt động dưới dạng một phần mềm cài đặt, liên kết với một số trang báo mạng hàng đầu Việt Nam. Điều có có nghĩa là, khi mở ứng dụng nói trên, người dùng có thể chọn nghe tin tức từ các trang tin, ở tất cả các mục với 2 giọng đọc của nam và nữ. Tuy nhiên, giọng đọc trên ViNAS hiện vẫn còn khá “khô” và thiếu truyền cảm.
Nhóm tác giả của sản phẩm, những chàng trai cô gái "8x đời cuối, 9x đời đầu" cho biết, khả năng mô phỏng giọng nói chính là điểm yếu nhất của ViNAS thời điểm hiện tại. Ngữ âm, ngữ điệu cùng với các quy chuẩn phức tạp của tiếng Việt (ví dụ 1 có thể được đọc là một hoặc nhất hoặc cũng có thể là mùng một hay tháng Giêng) là những vấn đề nhóm cần giải quyết trong thời gian tới.
Ứng dụng ViNAS trên nền giao diện khởi động của Windows 8. |
Đinh Anh Tuấn, trưởng nhóm tác giả cho biết, có thể nhóm sẽ hợp tác với một vài phát thanh viên, qua đó mô phỏng giọng đọc của họ, giúp người dùng dễ tiếp thu nội dung hơn. Về vấn đề quy chuẩn tiếng Việt, nhóm cũng đã phát hành một ứng dụng mang tên SQI, cho phép các đơn vị làm báo điện tử hoặc người dùng tự chuẩn hóa các nội dung gây tranh cãi. Tuấn cho biết, tham vọng của nhóm là chuyển giao công nghệ làm báo nói trên nền báo mạng tới bất cứ đơn vị báo điện tử nào, giúp người dùng có thêm hình thức tiếp cận tin tức mới, bản thân nhóm chỉ đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật.
Một sản phẩm rất đáng chú ý nữa của nhóm bạn trẻ này là trình duyệt trên nền tảng di động iSolar Browser. Về bản chất, iSolar Browser đóng vai trò như một trình duyệt bình thường trên smartphone, máy tính bảng tuy nhiên, khi truy cập vào các trang báo mạng đã được mặc định, người dùng có thể nghe nội dung các bài báo giống như ViNAS.
Những nội dung trên báo điện tử sẽ có thêm phần loa để người dùng nghe tin tức khi duyệt web bằng trình duyệt iSolar Browser. |
Ngoài ra, người dùng có thể ra lệnh bằng giọng nói, chẳng hạn như “ZingNews mục Công nghệ” để mở trang và nghe nội dung trên đó. Một tiện ích khác của trình duyệt iSolar Browser là khả năng dịch song ngữ bằng giọng nói. Tính năng này hoạt động tương đối tốt, tuy vẫn còn một số sai sót nếu người dùng phát âm không thực sự chuẩn. Khi người dùng bật tính năng “dịch”, sau đó nói một câu nào đó, trình duyệt sẽ tự động dịch sang một thứ tiếng đã chọn từ trước, đi kèm giọng nói. Chẳng hạn, người dùng bật tính năng dịch Anh – Việt, sau đó nói “I want to go to the cinema”, trình duyệt sẽ hiện lên văn bản dịch đi kèm và đọc câu: “Tôi muốn đi đến rạp chiếu phim” bằng tiếng Việt.
Đại diện của nhóm cho biết, tính năng dịch song ngữ cho phép bạn sử dụng smartphone để giao tiếp với người nước ngoài thông qua người “phiên dịch ảo” là iSolar Browser (hiện đang hỗ trợ 5 ngôn ngữ là Anh, Nga, Nhật và tiếng Việt). Ứng dụng này sẽ được đưa lên Google Play và Windows Store trong thời điểm cuối năm nay. Riêng với App Store của Apple, do còn một số vướng mắc nhất định, thời điểm “lên sàn” của ứng dụng này chưa được tiết lộ. Trưởng nhóm Đinh Anh Tuấn cũng hóm hỉnh cho biết, sẽ có thêm một số bất ngờ thú vị từ sản phẩm của nhóm khi nó được đưa vào hoạt động chính thức.
Nhóm bạn trẻ tạo ra sản phẩm với quyết tâm "những gì thế giới làm được, người Việt Nam cũng làm được". |
"Hệ thống biến báo điện tử thành báo nói ViNAS" thuộc nhóm phát triển từ Công ty TNHH giải pháp sáng tạo & nghiên cứu tiên tiến iSolar đã giành được giải nhì hạng mục nhóm sản phẩm CNTT triển vọng tại vòng chung kết cuộc thi "Nhân tài đất Việt" vừa qua. Nhóm bao gồm 7 thành viên với tuổi đời còn rất trẻ (5 người sinh năm 1989, vừa mới tốt nghiệp ra trường, 2 người sinh năm 1991, vẫn đang là sinh viên). Đại diện của nhóm cho biết, ý tưởng tạo ra một hệ thống biến báo điện tử thành báo nói không mới. Đã có nhiều nước trên thế giới áp dụng công nghệ nói trên. Tuy nhiên, nhóm muốn khẳng định "những gì thế giới làm việc thì người Việt Nam cũng làm được". Nhóm cũng xác định "các ứng dụng về giọng nói sẽ là sản phẩm của tương lai. Khoảng 5 năm về trước, không nhiều người nghĩ sẽ có những ứng dụng như Siri của Apple nhưng hiện tại, rất nhiều hãng công nghệ lớn đang chú trọng phát triển các ứng dụng nhận diện giọng nói. Tuy nhiên, để nhận diện tiếng Việt một cách tốt nhất thì đó phải là một sản phẩm của người Việt". |
Thành Duy
Theo Infonet