Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ứng cử vào Quốc hội đơn giản quá

Nhiều ý kiến băn khoăn về sức khỏe và tâm lý của ứng viên đại biểu Quốc hội, việc tự ứng cử và cơ cấu trong bầu cử trong buổi thảo luận tại phiên làm việc ngày 5/11 của Quốc hội.

Đừng để người bệnh tâm thần ứng cử Quốc hội

Nhiều đại biểu Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM đã dành thời gian thảo luận việc khám sức khỏe đại biểu tại buổi thảo luận dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội chiều 5/11.

Trong phiên làm việc chiều 5/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng để lựa chọn được đại biểu chất lượng thì cần từ hai phía, tổ chức đề cử và người đi bầu cử. Cử tri cần được biết thông tin đầy đủ về các ứng cử viên để sau khi bầu không phải ân hận vì mình đã bầu nhầm người không xứng đáng.

Vì vậy, cần quy định rõ hình thức thông tin, tuyên truyền làm sao vừa bình đẳng giữa các ứng cử viên, vừa đầy đủ và trung thực thông tin đến với cử tri, nhất là cử tri vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nói ông không thấy khác nhau mấy giữa tiêu chuẩn ứng cử Quốc hội với HĐND cấp xã. “Như vậy là không ổn, từng cấp phải có quy định tiêu chuẩn khác nhau”. Theo ông Lịch, tiêu chuẩn bầu cử được đề cao nhất là sự trung thành với Đảng, với nhân dân.

“Không nơi nào tự ứng cử dễ dàng như ở VN”

Về việc tự ứng cử, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị quy định rõ tiêu chuẩn người tự ứng cử.

“Những người được đề cử thì do các cơ quan, tổ chức đảm bảo; người tự ứng cử thì ai sẽ đảm bảo, sẽ chịu trách nhiệm, trừ chính người đó?”,bà Hà đặt vấn đề.

Không quy chụp kiến trái chiều

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc VN (sửa đổi), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) kiến nghị cần quy định về việc các ý kiến trái chiều, khác biệt với những dự thảo, chương trình, đề án quan trọng của đất nước sẽ không bị quy chụp.

Theo ông Nghĩa, đây là cơ chế để nhân dân mạnh dạn bày tỏ ý kiến với những dự án, dự thảo, chương trình quan trọng của đất nước.

Cùng vấn đề này, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận xét: “Có thể nói rằng không nơi nào mà thủ tục tự ứng cử lại dễ dàng như ở VN”.

Ông Nghị cho rằng với những người được đề cử thì đã qua quá trình sàng lọc, có các tổ chức, đơn vị giới thiệu đánh giá về tư cách đạo đức, năng lực trình độ, phẩm chất.

Nhưng với người tự ứng cử thì chỉ do họ tự cảm nhận thấy mình đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội rồi nộp hồ sơ thì được ghi tên.

“Trên thế giới, người tự ứng cử phải thu thập được bao nhiêu chữ ký theo quy định thì mới đủ điều kiện vào danh sách bầu cử. Có những nước quy định ứng cử viên phải có nghĩa vụ tài chính, tức là nộp một khoản chi phí tài chính phục vụ bầu cử nếu như anh không vượt qua được một tỉ lệ phiếu nào đó”, ông Nghị cho biết.

Ông Nghị khẳng định việc quy định tự do ứng cử là tiến bộ, dân chủ nhưng cần phải nghiên cứu để quy định tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục chặt chẽ, nhằm lựa chọn được những người tốt nhất để cử tri bầu ra đại biểu cho mình.

Đừng bắt gánh quá nhiều cơ cấu

Bà Trương Thị Mai (chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng cơ cấu là một trong những tiêu chí cần thiết trong việc bầu cử Quốc hội, nhưng vấn đề là trong cơ cấu phải lựa chọn được người tốt nhất đại diện cho cơ cấu đó thì mới đáp ứng được mong mỏi của người dân.

“Một người gánh quá nhiều cơ cấu gánh sao nổi. Mà có khi gánh nhiều quá thì lại... rớt. Mà người ta cũng tự hỏi tại sao cùng lúc mình phải gánh nhiều như vậy, nào là trẻ, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, y tế, giáo dục. Cho nên một người chỉ nên gánh từ hai cơ cấu trở xuống”, bà Mai nói.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) cho biết, một trong những điểm mới của dự thảo luật là quy định việc thành lập hội đồng bầu cử quốc gia.

Theo ông Mạnh, Hiến pháp cũng đã quy định hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

Đồng tình với việc thành lập hội đồng bầu cử quốc gia, tuy nhiên ông Mạnh băn khoăn dự thảo luật chưa quy định rõ hội đồng này hoạt động thường xuyên hay kiêm nhiệm? “Theo tôi đã đến lúc chúng ta cần có một cơ quan bầu cử chuyên môn, độc lập.

Có ý kiến nói là 5 năm chỉ bầu cử một lần, nếu thành lập cơ quan chuyên trách thì lãng phí. Tuy nhiên việc tổ chức bầu cử 5 năm một lần chỉ là một trong những nhiệm vụ của hội đồng, ngoài ra hội đồng còn có các nhiệm vụ khác”,ông Mạnh nói.

Ông Mạnh giải thích hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ chính là tổ chức bầu cử 5 năm một lần.

Ngoài ra hằng năm xuất hiện những đơn vị bầu cử bị khuyết đại biểu do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như bị Quốc hội bãi miễn, không đủ sức khỏe để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đại biểu... chính vì vậy cần có hội đồng để đứng ra tổ chức bầu cử ở những đơn vị khuyết đại biểu.

Việc bầu cử bổ sung đó sẽ giúp cử tri ở các đơn vị khuyết đại biểu tiếp tục có người đại diện cho mình ở cơ quan dân cử, tạo sự công bằng giữa các đơn vị bầu cử.

Ứng cử viên phải được khám sức khỏe tâm thần

Ông Trần Du Lịch: “Nếu cứ chung chung thế này thì một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được”.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã dành khá nhiều thời gian để thảo luận vấn đề tiêu chuẩn về sức khỏe và tâm lý của ứng cử viên đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Trần Du Lịch đánh giá: “Nếu cứ chung chung thế này thì một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được”. Bà Phạm Khánh Phong Lan (phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) đề nghị ứng cử viên phải khám sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải luật hóa về tiêu chuẩn sức khỏe. 

“Khám sức khỏe để ứng cử đại biểu Quốc hội không phải như khám để thi bằng lái xe. Tôi đề nghị phải trắc nghiệm về trình độ, thần kinh, tâm lý. Sau đó đạt chuẩn mới cho ứng cử”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa nói nhiệm kỳ Quốc hội 5 năm là rất dài, nếu thần kinh, tâm thần không ổn định sẽ rất khó lường.

Bà Phạm Khánh Phong Lan nói cần có những bài kiểm tra của các chuyên gia tâm lý với ứng cử viên, để đảm bảo rằng tinh thần, thần kinh họ luôn vững vàng, hạn chế những xáo trộn do lời nói, hành động tại Quốc hội khi gánh trên mình trọng trách đại diện cho cử tri.

Đại biểu Võ Thị Dung (chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM) cũng nói trong quá trình làm công tác hiệp thương, bà đã gặp không ít trường hợp bị bệnh, tâm thần không ổn định đi ứng cử. Khi phát hiện kịp thời thì cũng loại được, nhưng vì không có quy định nên buộc phải chờ ý kiến từ tổ dân phố, nơi công tác, rất mất thời gian và dễ bị kiện cáo nếu làm không khéo léo, tế nhị.

Đừng để người bệnh tâm thần ứng cử Quốc hội

Nhiều đại biểu Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM đã dành thời gian thảo luận việc khám sức khỏe đại biểu tại buổi thảo luận dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội chiều 5/11.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141106/ung-cu-vao-quoc-hoi-don-gian-qua/668044.html

Theo Viễn Sự- Lê Kiên- V.V.Thành/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm