Hội thảo quốc tế Việt Nam và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Ứng cử và tham gia nhiệm kỳ 2020-2021, do Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tổ chức, diễn ra vào ngày 30/3 với 4 phiên họp.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về vị thế của Việt Nam hiện nay, đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên Phó trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cho biết so với nhiệm kỳ 2008-2009, “đất nước ta khác hoàn toàn về thế và lực trong khu vực và trên thế giới”.
Theo đại sứ, Việt Nam đã “không chỉ khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính mà còn phát triển với mục tiêu mới, với GDP năm 2017 đạt 6.83%, cao nhất trong 5 năm gần đây và quý I năm nay, GDP đạt 7.41%, cao nhất trong 10 năm”.
Với chủ trương là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam tiếp tục mở rộng quan hệ ngoại giao song phương và đa phương.
Hội thảo quốc tế về Việt Nam và Hội đồng Bảo an thu hút sự quan tâm từ nhiều chuyên gia và nhà phân tích. Ảnh: Ngọc Hà. |
Hội thảo là cơ hội để các nhà ngoại giao chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về tình hình thế giới và Hội đồng Bảo an hiện nay, và đưa ra đề xuất cho Việt Nam về công tác chuẩn bị ứng cử vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào tháng 6/2019.
Cuộc hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý, Đại sứ Thụy Điển tại Liên Hợp Quốc và các đại biểu đến từ Úc, Indonesia, Ban thư ký Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, đại diện sứ quán các nước, các đối tác, tổ chức quốc tế và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cũng tham dự.
Đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên Phó trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Ảnh: Ngọc Hà. |
Bên cạnh đó, Hội thảo đề cập đến các thách thức một thành viên không thường trực phải đối mặt. Các nước ủy viên không thường trực có ít tiềm lực và kinh nghiệm hơn 5 ủy viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Đồng thời, các nước lớn có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, do đó, Ủy viên không thường trực cần chuẩn bị kĩ càng, hoạt động tích cực trong mọi vấn đề.
Về công tác chuẩn bị, Đại sứ Bùi Thế Giang đề xuất Việt Nam sử dụng tiềm lực một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế để đảm bảo đất nước bền vững thay vì huy động toàn bộ lực lượng. Bộ máy nhân sự cần gọn nhẹ, quy định trách nhiệm và quyền hạn rõ ràng cho mỗi người.
Cùng chung quan điểm này, Đại sứ Thụy Điển Olof Skoog cho biết, điều quan trọng là Việt Nam cần hiểu rõ các vấn đề trong chương trình nghị sự và “tổ chức một hệ thống linh hoạt sẵn sàng giải quyết những sự kiện bất ngờ”.
“Việt Nam không nên đánh giá thấp những gì một ủy viên không thường trực có thể làm. Nếu được bầu vào vị trí này, Việt Nam không nên ngần ngại lấp khoảng trống tạo ra bởi mối quan hệ nhiều lúc gần như chiến tranh lạnh của các nước lớn.”
Đại sứ Olof Skoog, Trưởng phái đoàn Thụy Điển tại Hội đồng Bảo an, Liên Hợp Quốc. Ảnh: Ngọc Hà. |
Đại sứ Skoog nhận định cộng đồng quốc tế có kỳ vọng cao với Việt Nam. Ông hy vọng Việt Nam, hiểu rõ tác động thảm họa chiến tranh, sẽ là một ứng cử viên mạnh cho nhiệm kỳ 2020-2021, tập trung tìm giải pháp hòa bình cho xung đột, tôn trọng luật pháp, tuyên truyền bảo vệ công dân, trẻ em trong xung đột vũ trang.
Đại sứ mong đợi Việt Nam tiếp nối sứ mệnh Thụy Điển hướng tới. Đó là đảm bảo sự tôn trọng đối với luật nhân quyền quốc tế, hòa bình, phụ nữ và an ninh.
Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực vào nhiệm kỳ 2008-2009. Trong giai đoạn làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã đưa ra chính sách đề cao vai trò phụ nữ, được thông qua bởi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.