Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'UNCLOS 1982 như hiến pháp của đại dương'

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định như vậy về vai trò của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) trong buổi hội thảo ngày 1/6.

Chiều ngày 1/6, hội thảo lần thứ 3 của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về vận dụng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi trên biển đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự hội thảo có khoảng 200 đại biểu từ 27 nước ARF, các tổ chức khu vực và quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan đến việc thực thi UNCLOS.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu khẳng định vai trò quan trọng của UNCLOS 1982 như “hiến pháp” của đại dương, là khuôn khổ pháp lý cho việc giải quyết các thách thức trên biển trong khu vực, bao gồm các thách thức mới nổi lên sau khi công ước được thông qua.

luat bien 1982 anh 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu trong buổi hội thảo. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh mọi tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Việc hợp tác thiện chí, trên cơ sở công ước, sẽ góp phần tăng cường niềm tin giữa các bên, thúc đẩy hoà bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Đồng tình với phát biểu của phía Việt Nam, đồng chủ toạ là đại sứ Canada chia sẻ về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, và khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực của các quốc gia trong việc quản lý và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã khẳng định UNCLOS 1982 là nền tảng pháp lý quan trọng cho hợp tác trong khu vực.

Các nước trong khu vực cần chung tay bảo vệ môi trường và sinh vật biển, quản lý nghề cá bền vững, hợp tác tìm kiếm cứu nạn.

Trong bối cảnh hiện nay, cần nghiên cứu khả năng xây dựng một văn kiện khu vực về đối xử nhân đạo với ngư dân, trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tính đến các đặc điểm của khu vực.

Hợp tác không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước mà còn cần sự tham gia của các thực thể khác có liên quan trong khối tư nhân, các tổ chức quốc tế và khu vực cũng như các tổ chức phi chính phủ.

Trong ngày làm việc thứ hai, hội thảo sẽ thảo luận về các giải pháp hợp tác để chống suy thoái môi trường và đa dạng sinh học biển, khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định và rác thải nhựa trên biển.

Đồng thời, các đại biểu cũng sẽ trao đổi về việc tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực, bao gồm hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn ASEAN - Nhật Bản lần thứ 36

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã cùng người đồng cấp Nhật Bản chủ trì Diễn đàn ASEAN - Nhật Bản lần thứ 36, diễn ra từ ngày 27/5 dưới hình thức trực tuyến.

Bổ nhiệm ông Phạm Quang Hiệu giữ chức thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Ông Phạm Quang Hiệu, sinh năm 1975, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, được bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm