Tình trạng khẩn cấp kéo dài 30 ngày đã được Quốc hội Ukraine thông qua, theo AFP.
Lệnh này cũng hạn chế quyền tự do đi lại của những binh sĩ dự bị và kiểm soát phương tiện truyền thông, theo một văn bản dự thảo. Các hạn chế có hiệu lực từ ngày 24/2.
"Tình hình rất khó khăn, nhưng vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi", Oleksiy Danilov, quan chức an ninh hàng đầu Ukraine, nói với các nhà lập pháp trước cuộc bỏ phiếu tại nghị viện.
Tình trạng khẩn cấp cho phép Ukraine áp dụng các biện pháp an ninh tăng cường. Sau khi lệnh này được ban bố, công tác kiểm tra giấy tờ và phương tiện sẽ nghiêm ngặt hơn.
Thư ký Hội đồng An ninh Ukraine Oleksiy Danilov. Ảnh: Kyiv Post. |
Lệnh này đã được chấp thuận vào cùng ngày khi Moscow bắt đầu sơ tán nhân viên ngoại giao ở Kyiv, và Washington tăng cường cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc tấn công tổng lực của Nga.
Lệnh này được áp dụng cho tất cả khu vực của Ukraine. Donetsk và Lugansk đã trong trạng thái này từ năm 2014. Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập tại hai khu vực này vào ngày 21/2.
Ông Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài 30 ngày và sau đó có thể được gia hạn thêm 30 ngày nữa, Reuters đưa tin.
Theo ông Danilov, mỗi vùng của Ukraine sẽ có thể tự quyết định áp dụng biện pháp cụ thể, “phụ thuộc độ cần thiết”.
“Đó có thể là việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh. Hoặc có thể là hạn chế lưu thông đối với một số loại xe, tăng cường kiểm tra phương tiện hoặc yêu cầu người dân xuất trình các loại giấy tờ”, ông nói. Ông gọi đây là các biện pháp “phòng ngừa”.
Ông Danilov đưa ra tuyên bố trên trong lúc căng thẳng ở Ukraine bị đẩy lên đỉnh điểm, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập với hai “nhà nước cộng hòa” tự xưng đang kiểm soát khoảng một nửa diện tích vùng Donbas, thuộc miền Đông Ukraine.
Căng thẳng cũng có nguy cơ leo thang hơn nữa khi Thượng viện Nga cho phép ông Putin triển khai lực lượng vũ trang ở nước ngoài, giúp chính thức hóa việc điều quân đội Nga tới hai vùng ly khai ở Donetsk và Lugansk, thuộc Donbas.
Động thái của Nga bị Mỹ và đồng minh phương Tây lên án mạnh mẽ. Washington, Anh, Nhật Bản và EU đều đã áp lệnh trừng phạt đối với Nga và hai vùng ly khai.