The Athletic đánh giá dịch bệnh mang lại những ảnh hưởng khủng khiếp nhất đối với bóng đá thế giới. Các đội bóng gặp khó khăn về mặt kinh tế khi phải tạm dừng thi đấu trong thời gian dài và chưa rõ thời điểm trở lại.
Vì vậy, UEFA quyết định nới lỏng các quy định của Luật Công bằng Tài chính (FFP). Các câu lạc bộ sẽ có thêm một tháng để giải quyết những khoản nợ còn tồn đọng khi hạn cuối là ngày 31/3 sẽ chuyển sang 30/4.
Điều đó có nghĩa là bất kỳ hỗ trợ bổ sung nào từ chủ sở hữu dành cho các câu lạc bộ trong những tháng tới sẽ được đánh giá nhẹ nhàng hơn bình thường.
Alex Song (trái) bị FC Sion sa thải vì không chịu giảm lương. Ảnh: FC Sion. |
Tuy nhiên, để đảm bảo số tiền sẽ được sử dụng với mục đích trả lương cho nhân viên chứ không phải dùng vào việc chuyển nhượng, UEFA sẽ xem xét kỹ càng từng trường hợp.
Mới đây, FC Sion, một đội bóng tại Thuỵ Sĩ, sa thải Alex Song, cựu sao Barca cùng 8 cầu thủ khác do họ không chịu giảm lương. Đây là trường hợp điển hình về những ảnh hưởng mà Covid-19 gây ra với nền bóng đá thế giới. Do đó, động thái này của UEFA được các chuyên gia kinh tế về bóng đá đánh giá cao.
"UEFA có quyết định thực tế và hợp lý. Bằng cách nới lỏng thời gian trả nợ, UEFA giúp các đội bóng tập trung vào việc giải quyết những vấn đề tồn đọng mang tính thời điểm hơn thay vì tuân thủ các quy định", Kieran Maguire, chuyên gia tài chính đang giảng dạy tại Đại học Liverpool, chia sẻ.
"Đồng thời, những đội bóng có tiềm lực tài chính mạnh có thể thoải mái chi tiêu để vượt qua giai đoạn khó khăn này mà không cần lo ngại việc UEFA can thiệp", ông Maguire nói thêm.
John Mehrzad, một chuyên gia về luật thể thao, cũng đồng tính với ý kiến của Maguire. Song, ông cũng lên tiếng cảnh báo các câu lạc bộ có thể gặp những hệ luỵ khôn lường nếu chi tiêu không hợp lý.
"Cách chi tiêu đó cũng hợp lý, nhưng dễ xảy ra tình trạng lạm dụng. Ví dụ, một câu lạc bộ được bơm nhiều tiền từ chủ đầu tư để trả lương cầu thủ, nhưng họ lại dùng nó để chi tiêu trên thị trường chuyển nhượng. Đó là lý do UEFA chèn quy định xem xét tuỳ trường hợp", ông Mehrzad nói.
Nick De Marco, một chuyên gia về FFP đang làm việc tại Anh, cho biết quy định mới của UEFA khá nhạy cảm. Tuy nhiên, ông muốn FA (Liên đoàn Bóng đá Anh) cũng áp dụng quy định này. Hiện tại, các đội bóng ở xứ sở sương mù gặp khó khăn về việc trả lương cho cầu thủ do những quy định về lợi nhuận, tính bền vững ở đây còn khắt khe hơn FFP nhiều.
Nhiều đội bóng phải nợ lương, đối mặt với nguy cơ phá sản vì không có nguồn thu từ việc bán vé. Ảnh: Paul Roberts. |
"Họ đang cố gắng trả lương cho nhân viên trong lúc gặp khó khăn về kinh tế. Và cách duy nhất là phải vay tiền. Vì vậy, họ không đáng bị phạt khi mang về những khoản nợ", ông De Marco nói.
Hiện tại, EFL (Hệ thống giải đấu của Anh và xứ Wales) chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về quy định mới của UEFA. Để áp dụng quy định tương tự, họ cần sự đồng ý từ 71 đội bóng và một cuộc họp đang được diễn ra.
Mới nhất, EFL cho biết các đội bóng ở các giải hạng dưới ở Anh sẽ được hỗ trợ khoản tiền 50 triệu bảng. Ngoài ra, họ có thể nhận sự hỗ trợ từ các đội bóng ở Premier League.
Bóng đá cũng như các môn thể thao khác, phải điều chỉnh những hoạt động, thay đổi lịch trình. Trong nhiều trường hợp, họ cũng nỗ lực hỗ trợ cộng đồng chống lại dịch bệnh dù bản thân đang gặp khó khăn. Lần này, quy định mới của UEFA được đánh giá rất cao.