Ngày 12/5, Uber đã có đợt chào bán cổ phiếu đầu tiên, được xem như giải pháp cuối cùng để gánh khoản lỗ hơn 1,8 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, cổ phiếu của hãng quản lý ứng dụng gọi xe lớn thứ hai của Mỹ lao dốc ngay trong những ngày đầu lên sàn và làm thiệt hại hàng tỷ USD.
Dù giá trị Uber có phần đi xuống nhưng công ty này vẫn ''sống khỏe'' dựa trên sức lao động của hàng triệu tài xế. Zing.vn xin lược dịch bài viết phơi bày góc tối của Uber, được thực hiện bởi nhà báo David Streitfeld của tờ The New York Times.
Nhân vật chính trong bài viết của David Streitfeld là ông Ashlock, người vừa bước sang tuổi 71 hồi tháng trước. "Hành trang'' của ông Ashlock với Uber là hơn 25.000 chuyến đi kể từ năm 2012. Với ngần ấy chuyến đi, chiếc Nissan Altima đã đồng hành cùng ông trên 350.000 km với điểm đánh giá trung bình là 4,93/5.
Uber là một trong những doanh nghiệp giá trị nhất tại thung lũng Silicon sống trên sức lao động của hàng triệu tài xế. Ảnh: PYMNTS. |
Hiện tại, giá trị vốn hóa của Uber sau khi lên sàn là khoảng 70 tỷ USD và theo định hướng của công ty, giá trị sẽ tăng lên hơn 100 tỷ USD - giúp Uber trở thành một trong những dịch vụ công cộng giá trị nhất tại Thung lũng Silicon.
Khoản tiền khổng lồ này sẽ chảy vào túi của những người sáng lập Uber, tập đoàn SoftBank của Nhật, quỹ đầu tư mạo hiểm Benchmark, quỹ đầu tư công cộng Saudi Arabia và quỹ đầu tư Fidelity. Thậm chí, nhà đồng sáng lập và cựu giám đốc điều hành của Uber - Travis Kalanick còn bỏ túi 1,4 tỷ USD sau khi bán 1/3 cổ phần dù đã bị loại khỏi hội đồng quản trị.
Là một trong những bộ phận quan trọng nhất và đóng góp nhiều nhất vào thành công của Uber, ông Ashlock (và các tài xế Uber khác) không nhận được thành quả xứng đáng. Trong tờ khai thuế năm 2018, ông Ashlock có thu nhập khoảng 40.000 USD, khá hơn đôi chút so với năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, người đàn ông 71 tuổi còn khoản nợ thẻ tín dụng quá hạn hơn 3.200 USD và phải nộp thuế hơn 5.000 USD.
Sau khi trừ hết các chi phí, thu nhập cả năm của ông Ashlock chỉ còn khoảng hơn 31.000 USD, tức khoảng hơn 2.580 USD/tháng. Thu nhập 2.580 USD/tháng của ông Ashlock thấp hơn rất nhiều so với con số 4.930 USD/tháng thu nhập trung bình của người Mỹ. Dù có an sinh xã hội nhưng số dư tài khoản của người tài xế già này không bao giờ đủ để mua một chiếc xe mới.
Dù đã bước sang tuổi 71 nhưng ông Ashlock vẫn lái Uber đến 3 giờ sáng. Ảnh: Jason Henry/The New York Times. |
Là các đối tác độc lập nên tài xế Uber không được hưởng các phúc lợi như nhân viên của Uber, bao gồm những ngày nghỉ phép có lương hoặc ưu đãi khi mua cổ phiếu. Ở một động thái khác, Uber cho hay là hãng này vẫn có những khoản tiền thưởng từ 100 USD đến 10.000 USD cho những tài xế có thâm niên.
Ông Ashlock đang sống cùng vợ, bà Daphne, trong một căn nhà thuê ở thị trấn nông thôn Cotati, cách San Francisco 50 km về phía bắc.
''Để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện cười!'' ông Ashlock trầm ngâm nói với David Streitfeld. Sau đó, ông Ashlock kể câu chuyện cười của William Claude Dukenfield với ngụ ý rằng những người tài xế như ông mang đến danh tiếng, lợi nhuận cho Uber để rồi nhận lại khoản thu nhập ''không đủ sống''.
Theo ông Ashlock, Uber là một ''kịch sĩ'' chỉ biết diễn và hứa suông. Trong thông cáo báo chí năm 2014, Uber đã công kích các hãng taxi truyền thống khi cho rằng các tài xế taxi phải tốn hơn 40.000 USD/năm để thuê lại những chiếc taxi. Những công ty taxi làm giàu trên sự bế tắc của những người không còn phương thức kiếm sống nào khác.
Nếu làm việc cho Uber, những người tài xế này có thể kiếm khoản tiền 74.000 USD mỗi năm tại San Francisco và có thể lên đến 90.000 USD tại New York. Sau đó, đoạn thông cáo này bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đánh giá là cạnh tranh không lành mạnh và Uber bị phạt 20 triệu USD.
Dù bị đánh giá là sai lệch nhưng đoạn ''quảng cáo'' của Uber vẫn thu hút được các tài xế taxi truyền thống.
Ông Ashlock từng làm công việc lái taxi trong hơn một thập kỷ từ năm 1970 đến 1980, trước khi chuyển sang nghề điêu khắc. Ông vẫn nhớ như in ở thời điểm đó, ông mang về nhà 500 USD/tuần (tương đương 1.500 USD ở hiện tại) - số tiền khá dư dả. Tuy nhiên, ông chỉ phải tốn tiền đổ xăng cho chiếc taxi mà không phải lo khoản tiền sửa chữa.
Những cuộc biểu tình của các tài xế Uber sẽ dễ dàng được xoa dịu bằng những điều khoản rất nhỏ của ''gã khổng lồ''. Ảnh: Eugene Garcia/EPA. |
Trong cả năm 2018, ông Ashlock đã lái cho Uber và một ít thời gian cho Lyft - đối thủ của Uber. Nhờ vậy, tổng thu nhập của ông là gần 89.000 USD. Uber lấy đi 20.000 USD, bao gồm tiền môi giới các cuốc xe và các khoản phí khác. Ngoài ra, ông còn tốn 30.000 USD cho xăng, nhớt và các phí khấu hao khác.
Tuy nhiên, nếu ông Ashlock làm việc càng nhiều thì chiếc xe càng nhanh mất giá. Chưa kể, xe chạy nhiều thì phát sinh các chi phí sửa chữa và thay phụ tùng. Ông đã tốn 5.000 USD để sửa chữa và thay lốp cho xe chỉ trong vòng 6 tháng. Hiện tại, một chiếc Altima đời mới có giá khoảng 23.000 USD nhưng ông Ashlock không có khả năng mua, dù là trả góp.
Đối diện với sự phẫn nộ đến từ bộ phận tài xế, lãnh đạo Uber đã đưa ra các khoản thưởng thêm cho các nhiệm vụ. Nếu Ashlock hoàn thành 60 chuyến trong một buổi sáng, ông sẽ nhận được 30 USD tiền thưởng, 20 chuyến nữa có phần thưởng là 10 USD.
Nếu Ashlock không chủ động chọn nhiệm vụ, công ty sẽ chọn thay ông. Đối với các tài xế toàn thời gian như Ashlock thì tiền thưởng nhiệm vụ chiếm một phần không nhỏ trong thu nhập của họ. Đối với Ashlock, tiền thưởng này chiếm đến 25% tổng thu nhập của ông trong năm 2018.
Ngày hôm sau, ông Ashlock trở về nhà lúc 3h sáng sau khi hoàn thành nhiệm vụ ''25 chuyến xe trong 9 tiếng''. Với nhiệm vụ này, ông Ashlock kiếm được 200 USD từ Uber, 11 USD từ tiền boa của khách hàng và 13 USD tiền khuyến mãi.
Những tác phẩm nghệ thuật là nơi ông Ashlock ''trút giận''. Ảnh: Jason Henry/The New York Times. |
Nếu tính tất cả các khoản thu, ông Ashlock kiếm được 25 USD/giờ - thu nhập khá tốt. Tuy nhiên, chiếc Altima cần đến 47 USD để đổ xăng. Chưa kể, ông Ashlock phải chạy xe không hơn 80 km về nhà sau khi hoàn thành chuyến cuối cùng.
Ông Ashlock và vợ đã từng sống tại Crockett, cách San Francisco chỉ 30 km về phía bắc. Sau đó, căn nhà của họ nằm trong diện giải tỏa và hai vợ chồng già phải rời đi xa hơn. Thị trấn Cotati là nơi dừng chân tiếp theo và Ashlock đã thuê lại một trang trại cũ với giá 1.400 USD/tháng. Với thu nhập 2.580 USD/tháng, ông Ashlock chỉ còn lại hơn 1.100 USD sau khi trừ tiền nhà. Hai vợ chồng phải tiết kiệm tối đa các chi phí.
Dù lái taxi mang lại nhiều thu nhập hơn Uber nhưng ông Ashlock cảm thấy an tâm hơn với Uber. Khi còn lái taxi, ông biết 3 người đồng nghiệp bị cướp và giết. Làm tài xế Uber thì an toàn hơn dù họ có thể phục vụ những vị khách mới, đi đến những nơi chưa từng đến. Khách hàng của Uber phải đăng ký tài khoản và thiết lập thẻ tín dụng để thanh toán. Qua đó, hệ thống của Uber có thể quản lý lai lịch khách hàng.
Bức tượng Kalanick - cựu giám đốc điều hành của Uber - được ông Ashlock dùng tiền cắt nhỏ để làm tóc. Ảnh: Jason Henry/The New York Times. |
Uber và Lyft là 2 công ty đầu tiên tại Thung lũng Silicon sống nhờ vào hàng triệu lao động thu nhập thấp. Những cuộc biểu tình của các tài xế thường xuyên xảy ra với lời kêu gọi chung là chấm dứt bóc lột lao động. Có vẻ như những cuộc biểu tình sẽ dễ dàng được xoa dịu bằng những điều khoản rất nhỏ mà không gây ra ảnh hưởng gì đáng kể cho ''gã khổng lồ'' này.
Ông Ashlock có thú vui điêu khắc và vẽ tranh vào những ngày nghỉ. Ngoài những tác phẩm về những người thân yêu, ông Ashlock còn tạo ra những bức tượng hoặc tranh về những người ông ghét. Trong đó có bức tượng khuôn mặt Kalanick - cựu giám đốc điều hành của Uber. Ông Ashlock dùng tiền cắt nhỏ để làm tóc cho Kalanick, má trái của bức tượng bị một chiếc taxi màu vàng đâm vào và ở cổ là hình xăm của Ayn Rand, nhà tiên tri đề cao sự ích kỷ.
''Đó là tất cả những gì tôi có thể làm để nói về Uber'', ông Ashlock nói trong vẻ bất lực.