Chưa bao giờ dưới triều đại Park Hang-seo, U22/U23 Việt Nam hoặc tuyển quốc gia vào sân với đội hình hai trong một trận đấu ở giải chính thức. Trước mọi đối thủ, trên mọi đấu trường quan trọng, đội tuyển đều tung vào sân những con người tốt nhất.
Đấy cũng là lý do khiến Nguyễn Quang Hải mới ngồi dự bị một lần duy nhất dưới triều đại Park Hang-seo tại các giải chính thức suốt 2 năm qua. Đó là trận gặp U23 Brunei ở vòng loại U23 châu Á 2020, Hải “Con” chỉ vào sân từ ghế dự bị trong hiệp hai.
Gặp lại chính đối thủ U23 Brunei, trong ngày mở màn SEA Games 30, cơ hội cho HLV Park Hang-seo tiến hành cuộc thử nghiệm chưa từng có dưới triều đại của ông có thể diễn ra.
Để U22 Việt Nam có thể tiến xa nhất tại SEA Games, Quang Hải sẽ ngồi dự bị trước Brunei. Ảnh: Kiệt Trần. |
Ông Park thận trọng và khoảng cách kinh nghiệm ở U22 Việt Nam
Sự thận trọng của ông Park giúp U23/U22 và tuyển quốc gia Việt Nam luôn vào sân với lực lượng mạnh nhất trong mọi giải đấu. Dưới thời ông Park, những cầu thủ dự bị ở các đội tuyển hiếm khi được trao cơ hội đá chính kể cả trước đối thủ yếu. Họ chỉ được vào sân thay người, thể hiện đủ ấn tượng, chơi đủ hay lúc đá tập rồi mới từng bước được “cấy” vào đội hình chính.
Phan Văn Đức là một ví dụ. Đương kim Quả bóng Đồng Việt Nam chỉ đá chính vỏn vẹn 3 trận ở U23 châu Á và 3 trận Asian Games 2018 trước khi đánh chiếm vị trí chính thức ở tuyển Việt Nam trong các giải đấu kế tiếp.
Sự thận trọng của ông Park trong giai đoạn đó là điều dễ hiểu khi cả U23 và tuyển quốc gia đều đang ở thời kỳ xây dựng. Tuy nhiên, khi Việt Nam đã là đội mạnh vượt trội so với các đối thủ, HLV Park vẫn không thay đổi cách tổ chức đội hình. Dù đó là Nepal, Pakistan ở Asian Games, Lào, Campuchia ở AFF Cup hay chính Brunei tại vòng loại U23 châu Á 2020, các đội tuyển Việt Nam chưa từng vào sân với đội hình dự bị.
Ngọc Bảo (số 6) chưa từng có kinh nghiệm ở các giải đấu lớn trong khi Tiến Linh (áo xanh) đã quá dạn dày ở châu Á và Đông Nam Á. Ảnh: Minh Chiến. |
Mặt tốt của sự thận trọng giúp bóng đá Việt Nam luôn có đội hình tốt nhất ở sân chơi quốc tế. Tuy nhiên, mặt trái của nó khiến các cầu thủ dự bị ít được trao cơ hội trong khi nhóm chính thức luôn bị quá tải. Quan trọng hơn, nó tạo ra sự chênh lệch về kinh nghiệm ngày càng lớn giữa các tuyển thủ trong cùng một đội hình.
Đội hình U22 Việt Nam hiện nay bị phân hóa thành hai nhóm cầu thủ rõ rệt. Nhóm một gồm những người dày dạn kinh nghiệm chinh chiến cả ở châu Á và Đông Nam Á như Nguyễn Quang Hải, Hà Đức Chinh, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Trọng Hoàng, Đoàn Văn Hậu... Nhóm phía sau có rất ít kinh nghiệm ở các đội tuyển và V.League như Đỗ Thanh Thịnh, Nguyễn Đức Chiến, Trần Thanh Sơn hay thậm chí đang đá tại hạng Nhất như Lê Ngọc Bảo (CLB Phố Hiến).
Nhìn lớp kế cận này, có thể dự báo sớm khó khăn của U22 Việt Nam thời hậu Quang Hải.
Tôi sẽ không đưa các cầu thủ chủ chốt vào sân.
HLV Park Hang-seo
Chênh lệch quá lớn về kinh nghiệm giữa họ sẽ là vấn đề lớn của U22 Việt Nam trong tương lai. Bởi vậy, những trận đấu như với U22 Brunei chiều tối nay sẽ là rất cần thiết. Chia sẻ với báo giới trước trận, HLV Park xác nhận: “Tôi dự tính sẽ không đưa các cầu thủ chủ chốt vào sân. Một số người, nhất là các tuyển thủ quốc gia, đã chơi liên tục từ trước tới nay tại các giải trong nước và quốc tế. Tinh thần và thể lực của họ chưa hồi phục hoàn toàn như trước đây”.
“Trong vòng 10 ngày, ta sẽ đấu 5 trận. Điều đó nghĩa là ta phải làm sao xoay tua cầu thủ tốt nhất, giữ gìn cho họ thể trạng tốt nhất, phong độ tốt nhất”, ông Park nói.
Tính toán của ông Park và ban huấn luyện rất hợp lý bởi U22 Việt Nam sẽ còn gặp Lào, Singapore tại bảng B SEA Games 30. Đó đều là những đối thủ dưới tầm mà đội dự bị của U22 có thể dễ dàng xử lý, giữ sức cho các trụ cột trước 2 trận quyết định với Thái Lan, Indonesia.
Bài học 2 năm trước vẫn còn hiện hữu. U22 Việt Nam của HLV Nguyễn Hữu Thắng hủy diệt Timor-Leste, Campuchia và Philippines trong 3 trận đầu nhưng hụt hơi về cuối trước Indonesia và Thái Lan, cuối cùng bị loại ngay từ vòng bảng. Đó chắc chắn không phải viễn cảnh HLV Park muốn nhìn thấy.
Đích nhắm của ông Park không chỉ là SEA Games 30. Ảnh: Minh Chiến. |
Nhắm tới U23 châu Á 2020 và xa hơn nữa
Với HLV Park, SEA Games 30 chỉ là điểm khởi đầu cho một hành trình mà đích đến có thể là Olympic 2020 tại Tokyo mùa hè năm sau. Để đi tới ga cuối, U22 Việt Nam dự kiến chơi 13 trận trong vòng 2 tháng từ nay tới 26/1 tại cả SEA Games và U23 châu Á 2020. Nếu không có một kế hoạch phân phối sức tốt, nếu không chuẩn bị đầy đủ cho lớp kế cận, U22 Việt Nam sẽ không đủ nhân sự trên chặng đường rất dài đó.
Lấy U22 Thái Lan làm ví dụ, đối thủ cùng bảng với U22 Việt Nam tại SEA Games đã chủ động không gọi 2 tuyển thủ quá tuổi lên đội U22. Ý đồ của ông Akira Nishino là rất rõ ràng, ông muốn biến SEA Games thành cơ hội thử nghiệm, nơi U22 Thái Lan sẽ đạt tới trạng thái tốt nhất, tích lũy nhiều kinh nghiệm nhất trước khi trở về vòng chung kết U23 châu Á trên chính sân nhà của họ.
So với giải đấu 2 năm trước tại Trung Quốc, độ khó của U23 châu Á 2020 chắc chắn cao hơn nhiều khi giải đấu năm nay đồng thời là vòng loại cho Olympic Tokyo. Ngoài U22 Việt Nam và Thái Lan, các đội mạnh nhất châu lục cũng đang nhắm tới Thế vận hội.
Nếu U22 Việt Nam vô địch SEA Games nhưng thất bại ở Thái Lan, nền bóng đá có thể vui mừng?
Bản thân U22 Brunei chẳng có chút hy vọng nào trước U22 Việt Nam. Bốn lần gặp nhau gần nhất giữa đôi bên trải dài từ SEA Games 2011 tới nay, Brunei đều thua Việt Nam. Thất bại “nhẹ nhàng” nhất có cách biệt 0-6 diễn ra hồi tháng 3 vừa qua. Đối đầu Brunei sẽ là cơ hội cho những Ngọc Bảo, Đức Chiến, Thanh Sơn, Thái Quý, Đức Chinh, Tiến Dụng... Ở chiều ngược lại, 5 tuyển thủ quốc gia vừa đá chính trước UAE và Thái Lan gồm Tiến Linh, Quang Hải, Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Văn Hậu chắc chắn sẽ ngồi ngoài.
Với thực lực của U22 Việt Nam, chúng ta có quyền tin vào 3 điểm từ trận gặp Brunei, đồng thời giữ sức cho các trụ cột và tránh những thẻ phạt không đáng có.