Trước Campuchia trong bối cảnh buộc phải thắng, U18 Việt Nam đã lao lên tấn công ngay từ tiếng còi khai cuộc. Tuy nhiên, vấn đề lớn mà U18 Việt Nam phải đối mặt từ đầu giải là dứt điểm kém đã khiến mọi nỗ lực của thầy trò Hoàng Anh Tuấn đổ sông đổ bể.
Sự nghèo nàn trong cách triển khai tấn công
Không khó để thấy rằng U18 Việt Nam rất cố gắng trong việc đẩy nhanh tốc độ ngay từ tiếng còi khai cuộc. Song sự thiếu chính xác ở những pha bóng thuộc 1/3 cuối sân khiến hàng công của đội chủ nhà không thể làm gì Campuchia, đội bóng đã thủng lưới 12 bàn sau 4 trận.
Những pha dứt điểm của U18 Việt Nam |
Những bài tấn công của U18 Việt Nam không mới. Bóng luôn được luân chuyển xuống hai biên trước khi được tạt vào vùng cấm cho Nguyên Hoàng hoặc Kim Nhật dứt điểm. Những pha không chiến thành công trong chiến thắng 3-0 trước Singapore có thể là thang đo để khiến HLV Hoàng Anh Tuấn tiếp tục tin tưởng vào lối đá cơ bản này.
Trên thực tế, việc đưa bóng xuống khu vực hành lang trong (half-space) trước khi thực hiện các đường căng ngang, hoặc tạt bóng bổng/sệt vào vùng cấm là bài tấn công rất hiện đại, ngay cả với những đội bóng hàng đầu thế giới. Song việc U18 Việt Nam triển khai liên tục ở các trận đấu trước (và cũng không quá thành công) đã khiến Campuchia có phương án chuẩn bị trước.
Trong tâm lý thoải mái do đã bị loại, U18 Campuchia đã không mắc phải những sai lầm như Singapore từng làm. Đội khách luôn kiểm soát được quân số trong vùng cấm. Nhờ lượng cầu thủ đông đảo này mà U18 Campuchia luôn làm chủ được tình hình, bất chấp thủ môn Sa Lim có điểm yếu là bắt bóng bổng.
Trung phong Nguyên Hoàng không thắng dù chỉ một pha tranh chấp bóng bổng trong vùng cấm Campuchia. Đội khách ép số 11 của U18 Việt Nam phải dùng chân và toan tính này tỏ ra rất hiệu quả khi Nguyên Hoàng cho thấy khả năng liên lạc không tốt với các vệ tinh xung quanh như Mạnh Quỳnh, Công Đến hay Kim Nhật.
Xuân Tạo đưa bóng vào lưới U23 Campuchia trong hiệp một, nhưng bị trọng tài từ chối vì lúng túng để bóng chạm tay. Ảnh: Quang Thịnh. |
Chiến thuật bóng đá từ lâu vẫn được coi là "tấm chăn hẹp". Cố huyền thoại Johan Cruyff khi sinh thời từng khẳng định: "Tấn công là phương án phòng ngự tốt nhất".
Một CLB dồn nhiều lực cho tấn công thì dĩ nhiên khó có thể đảm bảo trọn vẹn công tác phòng ngự. Song nếu tấn công đủ tốt, thì chính áp lực tạo tới đối thủ ấy mới là công cụ phòng ngự tốt nhất.
Hàng công của U18 Việt Nam đã gặp quá nhiều vấn đề về khả năng căn chỉnh thước ngắm, và vì thế hàng phòng ngự phải đối mặt với những pha phản công của Campuchia. Bàn thua là điều khó tránh khỏi.
Tâm lý yếu tạo ra thất bại
Việc phải dừng bước ngay tại vòng bảng giải U18 Đông Nam Á không phải điều lạ gì với HLV Hoàng Anh Tuấn. Trong 3 giải U18 Đông Nam Á gần nhất, những đội U18 Việt Nam dưới quyền chỉ đạo của HLV này đều nói lời tạm biệt với cuộc chơi ngay sau vòng bảng.
Năm 2017, U18 Việt Nam xếp sau Indonesia và Myanmar. Năm 2018, đội bóng trẻ của Việt Nam có thành tích kém hơn Indonesia và Thái Lan. Năm nay, họ tụt lại phía sau Australia và Malaysia. Ai có thể đảm bảo rằng trong năm tiếp theo tham dự, U18 Việt Nam (trong trường HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn tại vị) sẽ không tiếp tục bị loại từ vòng bảng?
Đội U18 Việt Nam với HLV Hoàng Anh Tuấn có năm thứ ba liên tiếp bị loại khỏi giải U18 Đông Nam Á từ vòng bảng. Ảnh: Quang Thịnh. |
Điểm yếu lớn nhất của U18 Việt Nam trước Campuchia thực tế nằm ở tâm lý của từng cầu thủ chứ không chỉ ở khả năng dứt điểm. Các cầu thủ U18 Việt Nam thường xuyên tỏ ra nóng vội trong các tình huống có thể xử lý đơn giản.
Chính tinh thần thiếu ổn định này khiến các pha xử lý cơ bản như đỡ một chạm, chuyền bóng và sau cùng là dứt điểm không thể chính xác. Bàn thua cuối cùng của trận đấu đến từ tình huống như thế.
Phạm Xuân Tạo đã không thể chạy theo một pha chuyền bóng trong tư thế thoải mái của đồng đội ở bên phần sân Campuchia. Đội khách có pha ném biên nhanh và lưới của Y Êli Niê rung lên sau đó vài chục giây.
Ngay cả chính HLV Hoàng Anh Tuấn dường như cũng không giữ được sự bình tĩnh. Ông thay hai người chỉ sau 45 phút đầu tiên, một dấu hiệu cho thấy kế hoạch đặt ra từ đầu không đủ tốt và ông cũng thiếu sự tin tưởng nhất định ở các học trò.
Mô típ sai lầm cá nhân xuất phát từ tâm lý này gợi cho các CĐV bóng đá Việt Nam tới hình bóng quen thuộc của đội tuyển Việt Nam trước thời HLV Park Hang-seo.
Các cầu thủ Việt Nam khi ấy thường xuyên tỏ ra căng cứng trong những trận đấu mà mình nắm lợi thế để rồi tự bắn vào chân mình với những sai lầm ấu trĩ lẫn khó hiểu.
HLV Park Hang-seo đã làm quá tốt công tác tâm lý cho các cầu thủ ĐTQG Việt Nam và lứa U23, nhưng lứa U18 không thấm nhuần được tâm lý của HLV người Hàn Quốc. Ảnh: Minh Chiến. |
Thành công lớn của HLV Park ở cấp độ ĐTQG và U23 là việc tạo ra thứ tâm lý vững vàng cho từng cầu thủ. Chúng ta có thể yếu hơn và thua đối thủ, nhưng không phải vì những sai lầm xuất phát từ tâm lý của từng cá nhân.
Thứ tâm lý "không biết sợ" mà thầy Park truyền cho các cầu thủ chính là bản lề cho hơn một năm thành công vang dội vừa qua của bóng đá Việt Nam.
Song thứ tâm lý ấy dường như không tồn tại ở cấp độ U18 này, hoặc chí ít ở giải đấu U18 Đông Nam Á diễn ra trên chính sân nhà. Đội U18 Việt Nam đã thua Campuchia và bị loại bởi lẽ đó.
Về lực lượng, U18 Việt Nam không hề kém cỏi, nhưng tâm lý yếu đã tạo ra một tập thể không thể đi xa hơn.