Đại bại trước Malaysia trong trận quyết định ngôi đầu bảng B vòng loại U17 châu Á 2023 đẩy Indonesia xuống vị trí thứ nhì bảng B. Họ sau đó không cạnh tranh được với những đội nhì bảng khác và chấp nhận làm khán giả xem vòng chung kết châu Á năm sau.
BXH các đội nhì có thành tích tốt tại vòng loại U17 châu Á 2023. |
Điều đáng nói là trước trận thua Malaysia, U17 Indonesia đã toàn thắng trước các đối thủ cùng bảng, thậm chí thắng rất đậm (14-0 trước Guam). Trước trận gặp Malaysia, họ giành 9 điểm tuyệt đối, hơn đối thủ 2 điểm và chỉ cần hòa là chắc suất đầu bảng. Thất bại trước U17 Malaysia sau đó vì thế là cú sốc. Và thua tới 1-5 thì còn bàng hoàng hơn. Càng đau đớn hơn, thất bại trước Malaysia diễn ra ngay trên sân nhà Cibinong.
Hơn 2 tháng trước, chính lứa U17 này (khi đó là U16 Indonesia) đã đè bẹp mọi đối thủ ở giải U16 Đông Nam Á, trong đó có hai chiến thắng trước U16 Việt Nam ở vòng bảng và chung kết.
Đó cũng là giải đấu mà Indonesia trình làng Arkhan Kaka, Dennis Figo hay Nabil Asyura, những cầu thủ được coi là thần đồng triển vọng. Sau hai trận thắng Việt Nam, U16 Indonesia được truyền thông tung hô, khen ngợi hết lời. Người Indonesia coi thế hệ này là tương lai của bóng đá nước nhà.
Đến vòng loại U17 châu Á, Indonesia chơi cũng không hề tệ. Họ đã có khởi đầu tưng bừng khi đè bẹp Guam 14-0, thắng hai đội Tây Á UAE, Palestine và ghi tới 7 bàn trong hai trận này. Những điều đó càng khiến thảm bại 1-5 trước U17 Malaysia trở thành kết quả khó chấp nhận.
U17 Indonesia thua đau trước Malaysia dù được chơi trên sân nhà. Ảnh: Bola. |
Thất bại của U17 Indonesia được giải thích bởi năng lực cầm quân của HLV trưởng Bima Sakti, người từng được coi là rất "mát tay" với các đội tuyển trẻ. Bola nhận xét: "HLV Bima Sakti không đủ cẩn trọng khi dùng nguyên một đội hình như 3 trận trước. Điều đó khiến các cầu thủ đá chính quá tải, làm họ không đủ thể lực để chơi sòng phẳng với Malaysia".
Thất bại của đội U17 cũng cho thấy hạn chế của bóng đá Indonesia khi những HLV nội hiện chưa đủ trình độ để tạo khác biệt như HLV ngoại. Trước U17, tuyển quốc gia, U23 Indonesia lần lượt có sự tiến bộ ở sân chơi khu vực như giành ngôi á quân AFF Cup, huy chương đồng SEA Games. Điểm chung của các đội tuyển này là đều được dẫn dắt trực tiếp hoặc có sự tham gia của HLV Shin Tae-yong.
Yếu tố kỷ luật, thứ đã làm nên sức mạnh cho các đội tuyển Indonesia của HLV Shin cũng chưa được thể hiện ở lứa U17 của Bima Sakti. Nhiều người hâm mộ Indonesia chỉ trích việc có nhiều cầu thủ còn rất trẻ của đội đã nhận hàng loạt hợp đồng quảng cáo hay sự "nuông chiều" thái quá của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) Mochamad Iriawan khi tổ chức gala mừng công rồi cho cầu thủ đến thăm Cung điện Hoàng gia nhờ chức vô địch U16 Đông Nam Á.
Thất bại 1-5 trước Malaysia không chỉ đưa U17 Indonesia trở lại mặt đất mà còn là lời nhắc nhở cho bóng đá Indonesia về tính kế thừa. Không dự được vòng chung kết U17 châu Á 2023 cũng đồng nghĩa Indonesia không có cơ hội tìm suất dự U17 World Cup trẻ diễn ra cùng năm.
Bóng đá Indonesia đang tiến bộ ở các cấp đội tuyển nhưng chưa đủ. Trận thua Malaysia ở cấp độ U17 vừa qua đã nối dài chuỗi thất bại của các đội tuyển Indonesia trước Malaysia lên con số 5. Trong 4 năm từ 2018, tuyển quốc gia, U23, U19 và U17 Indonesia đều thua Malaysia trên mọi đấu trường.
U17 Indonesia dẫn đầu bảng B với 3 trận toàn thắng trước khi gặp Malaysia ở cuộc đối đầu quyết định tại vòng loại U17 châu Á 2023. |