Tháng 7/2018, khi Forbes đưa Kylie Jenner vào danh sách những phụ nữ giàu tự thân hàng đầu nước Mỹ, một cuộc tranh cãi đã nổ ra xung quanh khái niệm “tự thân” của tờ tạp chí này dành cho cô em út nhà Kardashian-Jenner.
Nhiều người cho rằng Jenner không thể nào giàu có “tự thân” khi xuất thân trong một gia đình nổi tiếng và giàu có. Một số người khác lại chỉ ra Kylie Jenner dựa vào hiệu ứng trên mạng xã hội của cô chị Kim Kardashian West.
Cuộc tranh luận về khái niệm “tự thân” mới đây lại bùng lên khi Forbes vinh danh Kylie Jenner là tỷ phú tự thân trẻ nhất lịch sử thế giới ở tuổi 21. Người giữ kỷ lục trước cô là ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, người lần đầu lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes khi 23 tuổi.
Theo ước tính của Forbes, công ty Kylie Jenner đang sở hữu 100% có giá trị ít nhất 900 triệu USD. Khối tài sản của cô gái 21 tuổi vừa tròn 1 tỷ USD nhờ vào 100 triệu USD tiền mặt Kylie có được từ lợi nhuận của công ty.
“Tự thân” thật ra là gì trong thời đại của Kylie Jenner?
Người Mỹ từ lâu có truyền thống đặc biệt ngưỡng mộ người giàu có nhờ làm việc chăm chỉ hơn là những ai nhận được khoản thừa kế kếch xù.
“Vua thép” thế kỷ 19 của Mỹ, Andrew Carnegie, nổi tiếng vì cho đi toàn bộ tài sản của mình. Ông sợ rằng khoản thừa kế khổng lồ sẽ làm mất đi động lực của những người nối nghiệp. Những nhà tài phiệt nổi tiếng trong lịch sử Mỹ như John D. Rockfeller và Cornelius Vanderbilt là những hình mẫu lý tưởng về việc xây dựng đế chế kinh doanh khổng lồ với khởi đầu khiêm tốn.
Kylie Jenner không phải là nhà công nghiệp xuất sắc. Forbes cho biết cô chỉ có dưới 15 nhân viên. Các khâu sản xuất, đóng gói, bán hàng, xử lý đơn hàng công ty của Kylie Jenner đều được thuê ngoài.
Nhưng Kylie Jenner là một người quyền lực trên mạng xã hội? Bạn có thể đánh cược vào điều này nếu biết rằng tài khoản Instagram của cô có hơn 128 triệu người theo dõi.
Giáo sư Michael Norton của trường Kinh doanh Harvard cho rằng ngày càng khó xác định những phần nào trong khối tài sản của một người đến từ sự chăm chỉ làm việc hơn xưa vì sức mạnh và sự ảnh hưởng của mạng xã hội và truyền thông.
Thật ra, việc giàu lên nhờ những nỗ lực “vô hình” không hoàn toàn mới. Giáo sư Norton lấy ví dụ trước thời đại mạng xã hội, nếu cha mẹ giàu có nhưng không để lại tài sản cho con cái, họ vẫn có thể giúp con thông qua một môi trường giáo dục tốt, các mối quan hệ và cơ hội của mình.
“Việc đo lường càng khó hơn khi có mạng xã hội”, Giáo sư Norton cho hay. “Nhưng “tự thân” vẫn là một phần của việc tận dụng các mối quan hệ của người khác và chờ xem bạn có thể xây dựng được gì từ đó.”
Và Kylie Jenner sẽ hạnh phúc hơn với số tài sản của mình vì cô tự kiếm ra chúng, Giáo sư Norton nêu quan điểm. Theo nghiên cứu của ông, có nhiều tiền khiến con người hạnh phúc và sẽ càng hạnh phúc hơn nếu đó là số tiền do chính họ tự tay tạo ra.
Kylie Jenner “tự thân” hơn cả Tổng thống Trump
Forbes định nghĩa “tự thân” là “những người xây dựng được công ty hay tạo ra tài sản nhờ chính bản thân họ, hơn là thừa kế một phần hoặc toàn bộ chúng”.
Để đo lường những lợi ích được thừa hưởng từ gia đình giàu có và phản ánh chính xác hơn mức độ liên quan của một người với những người khác, Forbes giới thiệu một thang đo "tự thân" năm 2014. Điểm thấp nhất của thang đo là 1, dành cho những người thừa kế toàn bộ tài sản đang sở hữu và điểm cao nhất là 10, cho những người giàu có hoàn toàn “tự thân”.
Ví dụ, nữ hoàng truyền hình Mỹ Oprah Winfrey được Forbes cho điểm 10 khi được nuôi nấng bởi người mẹ đơn thân. Tương tự, tỷ phú đầu tư George Soros cũng nhận điểm 10. Tỷ phú Soros sống sót qua thế chiến thứ hai khi quân Đức Quốc Xã chiếm đóng quê nhà Hungary của ông rồi di cư sang Anh. Tại đây, ông theo học tại trường Kinh tế London và làm đủ công việc để kiếm sống như bồi bàn, nhân viên bốc vác đường sắt.
Ngược lại là những người được thừa kế tài sản và không làm việc nhiều để gia tăng tài sản. Alice Walton, con gái duy nhất của nhà sáng lập Walmart, Sam Walton hay Laurene Powell Jobs, vợ của cố CEO Apple Steve Jobs, đều được cho điểm 1.
Vậy Kylie Jenner được bao nhiêu điểm? Forbes đánh giá cô được 7 điểm. Jeff Bezos, Warren Buffet và Mark Zuckerberg, 3 trong số 10 người giàu nhất thế giới và là chủ của những doanh nghiệp hàng trăm tỷ USD cũng chỉ nhận điểm 8, hơn Kylie vỏn vẹn 1 điểm.
Nhưng Kylie Jenner vẫn được xem là “tự thân” nhiều hơn so với Meg Whitman, người từng học tại Đại học Princeton và trường Kinh doanh Harvard trước khi trở thành CEO của nhiều công ty lớn hay cựu sinh viên Harvard Sheryl Sandberg, giờ là giám đốc vận hành của Facebook.
Và theo Forbes, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng xếp sau Kylie Jenner về mức độ “tự thân”. Ông Trump chỉ được Forbes cho điểm 4.
Phần đông những người giàu nhất thế giới đều là những tỷ phú “tự thân”, theo đánh giá của tổ chức chuyên nghiên cứu tầng lớp giàu có trên thế giới Wealth-X.
70% giới siêu giàu toàn cầu, những người sở hữu từ 30 triệu USD trở lên như Kylie Jenner, tự tay làm ra tài sản của mình. Chỉ 30% thừa kế một phần hoặc toàn bộ khối tài sản khổng lồ của mình.
Những con số thú vị trong bảng xếp hạng tỷ phú USD Forbes
Tổng tài sản của các tỷ phú USD trên thế giới đã đạt 8.700 tỷ USD, tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới mới chỉ 21 tuổi là những con số thú vị xung quanh bảng xếp hạng của Forbes.
Việt Nam có hơn 12 nghìn triệu phú USD, tăng nhanh thứ 4 thế giới
Tốc độ tăng trưởng số lượng triệu phú USD của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2023 chỉ xếp sau Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ trong báo cáo mới công bố của Kinght Frank.
Hàng tỷ USD tài sản của các tỷ phú Việt đến từ đâu?
Sở hữu khối bất động sản, tiền mặt… khổng lồ, nhưng phần lớn trong khối tài sản hàng tỷ USD của các doanh nhân này đều là giá trị các khoản đầu tư và cổ phiếu họ nắm giữ.