Theo tờ Australian Chinese Daily, tỷ phú Huang Xiangmo đã kháng cáo quyết định hủy visa vĩnh viễn của mình được chính phủ Australia ban hành vào tháng trước. Tờ The Australian đang liên hệ với người phát ngôn của tỷ phú Trung Quốc nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Trước đó, tờ New York Times đưa tin ngày 30/1, chính phủ Australia xác nhận đã hủy bỏ quyền cư trú của tỷ phú Huang Xiangmo tại nước này. Theo đó, tỷ phú Huang bị bác đơn xin nhập tịch và mắc kẹt ở nước ngoài khi không được phép nhập cảnh trở lại vào Australia.
Động thái này nằm được cho là liên quan đến những xung đột giữa Australia và Trung Quốc về chính trị.
Tỷ phú Huang Xiangmo là một doanh nhân bất động sản gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp. Ông Huang sống tại Sydney từ năm 2011 và thành lập tập đoàn Yuhu tại đây từ năm 2012. Tổng tài sản của Yuhu trên khắp Australia trị giá hàng chục triệu USD.
Trong thời gian cư trú ở Australia, ông đã quyên góp ít nhất 1,95 triệu USD cho cả hai đảng lớn nhất của nước này là Công Đảng và Đảng Tự do, theo New York Times. Những khoản tiền này của ông Huang hoàn toàn hợp pháp khi Australia không cấm các khoản quyên góp từ nước ngoài.
Tuy nhiên, những khoản đóng góp của tỷ phú Huang ngày càng bị nghi ngờ khi ông được cho là đang lãnh đạo một vài tổ chức có liên quan đến chính quyền Trung Quốc để thúc đẩy chính sách ngoại giao của quốc gia này tại các nước khác.
Tỷ phú Trung Quốc Huang Xiangmo (cà vạt xanh) bên cạnh cựu Thủ tướng Australia Malcom Turnbull tại một sự kiện năm 2016. Ảnh: Handout. |
Hiện các chuyên gia vẫn cho rằng chưa thể biết được nguyên nhân chính xác tại sao ông Huang bị Australia hủy bỏ visa vĩnh viễn. Dù vậy, theo Sydney Morning Herald, tờ báo đầu tiên đưa tin về việc này, xuất thân của tỷ phú Huang là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành động của chính phủ Australia với ông.
Trong khi đó, tờ The Guardian dẫn lời tỷ phú Huang rằng ông rất thất vọng với chính phủ Australia vì quyết định trên. “Việc hủy visa vĩnh viễn dựa trên những suy đoán vô căn cứ mang tính định kiến”, tỷ phú Trung Quốc khẳng định.
Ông cũng tuyên bố nếu các đảng phái chính trị Australia cảm thấy các khoản đóng góp của ông là “không phù hợp” thì hãy trả lại tiền cho ông mà không cần kèm theo khoản lãi nào. “Số tiền trả lại sẽ được quyên góp cho các tổ chức từ thiện tại Australia”, ông Huang nói.
Ông Huang Xiangmo ở Sydney năm 2018. Ảnh: The Sydney Morning Herald. |
Tại Australia, tỷ phú Huang là mục tiêu rõ ràng nhất với những lo ngại và tranh luận về ảnh hưởng của Trung Quốc lên giới chính trị nước này. Với nhiều chuyên gia, việc đẩy ông Huang ra khỏi Australia thể hiện sự hoài nghi ngày càng sâu sắc và lập trường cứng rắn hơn của nước này đối với Trung Quốc.
Theo ông Euan Graham, Giám đốc bộ phận nghiên cứu khu vực của Đại học La Trobe ở Melbourne, có thể xem đây là một hành động “trừng phạt nghiêm khắc” của Australia. "Đây là tín hiệu phản ứng lại sự can dự của các nước khác. Chính phủ Australia vẫn duy trì cam kết với tôn chỉ này dù có thể tỏ ra mềm mỏng hơn trong quan hệ ngoại giao chính thức", ông Graham đánh giá.
Còn Chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh của Quốc Hội Australia, ông Andrew Hastie đưa ra nhận xét gay gắt hơn nhiều khi cho rằng “Australia đã thức tỉnh trước những mối đe dọa từ nỗ lực của các nước bên ngoài nhằm tác động lên chính trị nền chính trị của mình.”
Theo New York Times, quyết định kháng cáo của tỷ phú Huang có thể đẩy chính phủ Australia vào thế khó khi phải quyết định liệu gia đình của ông Huang có phải rời khỏi nước này như ông hay không và khối tài sản kếch xù của tỷ phú Huang ở Australia sẽ được giải quyết ra sao.