Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã rót bao nhiêu tiền vào VinFast

Đến cuối quý I, Vingroup đã đầu tư hơn 65.729 tỷ đồng để góp vốn vào VinFast, khoản đầu tư đã tăng hơn 12,5 lần so với thời điểm thành lập tháng 6/2017 là 5.250 tỷ đồng.

VinFast đang được tập đoàn mẹ - Vingroup - bơm vốn liên tục trước thềm IPO tại Mỹ. Ảnh: Việt Linh.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngành xe điện toàn cầu ngày một gia tăng, Tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng mới đây đã ký thỏa thuận cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD cho Công ty CP VinFast. Đây được xem là nguồn lực quan trọng để hãng xe điện này tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trước khi thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ.

Theo thỏa thuận trên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ hiến tặng 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân. Bên cạnh đó, Vingroup sẽ tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD cho VinFast, đồng thời cho công ty sản xuất xe điện này vay 1 tỷ USD với thời hạn tối đa 5 năm.

Thực tế, kể từ khi được thành lập vào năm 2017, VinFast đã trở thành công ty con quan trọng trong chiến lược lấn sân sang mảng sản xuất và kinh doanh toàn cầu của Vingroup. Công ty con này cũng liên tục được Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng bơm vốn.

Liên tục rót tiền vào VinFast

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ của Vingroup, tính đến cuối quý I năm nay, doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã đầu tư tổng cộng gần 162.200 tỷ đồng vào các công ty con, trong đó, riêng khoản đầu tư vào VinFast đã lên tới 65.729 tỷ đồng, tương đương chiếm gần 41% tổng giá trị đầu tư góp vốn vào công ty con của Vingroup.

Khoản đầu tư đã tăng hơn 12,5 lần so với thời điểm VinFast được thành lập vào tháng 6/2017, là 5.250 tỷ đồng.

Thậm chí, khoản đầu tư vào VinFast đã vượt xa các khoản đầu tư mà Vingroup chi ra cho nhóm công ty quan trọng khác như Vinpearl trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí (38.034 tỷ đồng) và Vinhomes trong mảng kinh doanh bất động sản (21.992 tỷ đồng).

Theo hồ sơ IPO gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), VinFast cho biết tính đến cuối năm 2022 - tức sau 6 năm thành lập - Vingroup và các công ty liên kết, các bên cho vay bên ngoài đã tài trợ cho chi phí hoạt động và chi phí đầu tư của công ty khoảng 8,2 tỷ USD.

SỐ TIỀN VINGROUP ĐÃ GÓP VỐN VÀO VINFAST QUA CÁC NĂM

Nhãn201720182019202020212022Quý I/2023
Tiền góp vốn Tỷ đồng 525065001284620057261286572965729

Như vậy, với thỏa thuận tài trợ thêm 2,5 tỷ USD lần này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Vingroup và các công ty liên kết, các bên cho vay sẽ nâng tổng số tiền rót vào VinFast lên hơn 10 tỷ USD.

Cũng tại hồ sơ IPO, VinFast cho biết tập đoàn mẹ - Vingroup - đã gửi thư hỗ trợ với nội dung "Vingroup có khả năng và sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính đủ để đáp ứng nhu cầu tiếp tục hoạt động". Tài liệu này cũng cho biết VinFast sẽ "yêu cầu vốn bổ sung đáng kể", dự kiến đến từ nguồn vốn vay và vốn chủ sở hữu, cũng như nguồn vốn của các bên liên quan.

Bên cạnh đó, các khoản vay quốc tế của VinFast và trái phiếu phát hành trong nước hầu hết được bảo lãnh bởi Vingroup và các bên liên quan. Như hồi cuối năm 2021, Vingroup đã bảo lãnh khoản vay 200 triệu USD cho VinFast theo hợp đồng tín dụng giữa hãng xe điện này và Credit Suisse AG Chi nhánh Singapore.

Hay Vingroup cũng bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho toàn bộ nghĩa vụ thanh toán của VinFast liên quan đến lô trái phiếu 5.000 tỷ đồng, bảo đảm bằng cổ phiếu VHM.

Cuối năm 2022, lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng của VinFast do Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) tư vấn phát hành đã được thanh toán lãi và gốc đầy đủ. Đây đều là các trái phiếu đáo hạn lần lượt trong tháng 12 cùng năm và được bảo lãnh thanh toán bởi công ty mẹ là Tập đoàn Vingroup.

Liên tục mở rộng ở thị trường nước ngoài

Với nguồn lực lớn từ tập đoàn mẹ và các bên liên quan thông qua cả hình thức góp vốn, cho vay và bảo lãnh, VinFast nhanh chóng cho ra mắt các mẫu xe hơi, xe máy điện và ôtô điện. Từ năm 2022, công ty này cho biết sẽ chuyển hẳn sang sản xuất các dòng xe thuần điện.

Đến nay, hãng đã ra mắt thị trường 6 mẫu ôtô điện phủ khắp phân khúc phổ thông A, B, C, D, E và một mẫu xe buýt điện, 9 dòng xe máy điện.

Không chỉ thị trường trong nước, thị trường nước ngoài đang được VinFast tập trung đẩy mạnh mở rộng sản xuất. Mới nhất, hãng xe điện Việt Nam đã xin điều chỉnh tăng thêm hơn 120 triệu euro, nâng khoản đầu tư của doanh nghiệp này lên hơn 200 triệu euro tại 3 thị trường Pháp, Đức và Hà Lan. Đây chính là ba trụ sở chính của VinFast trong kế hoạch kinh doanh tại thị trường châu Âu công bố hồi tháng 10/2022.

vinfast anh 1

VinFast đã công bố kế hoạch kinh doanh tại các thị trường nước ngoài là Bắc Mỹ và châu Âu. Ảnh: VinFast.

Tại thị trường Mỹ, nhà sản xuất xe điện của Việt Nam cũng đã tăng cường mở rộng hoạt động để cạnh tranh với hãng xe điện lớn tại thị trường này và tuyên bố thành lập một nhà máy sản xuất ở Bắc Carolina trị giá 4 tỷ USD.

VinFast cũng đã xuất cảng lô xe VF 8 thứ hai gồm 1.879 chiếc tới Mỹ và Canada. Theo lịch trình, lô xe sẽ cập cảng và sẵn sàng bàn giao cho khách hàng Mỹ vào tháng 5 và khách hàng Canada vào tháng 6 năm nay.

Đối với thị trường châu Âu, lô xe VF 8 đầu tiên dự kiến được VinFast xuất khẩu vào giữa tháng 7 với số lượng khoảng 700 chiếc. Cùng với việc sản xuất và vận chuyển xe đến các thị trường quốc tế, VinFast cũng liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh trên toàn cầu.

Hiện ngoài thị trường Việt Nam, VinFast đã mở hơn 30 cửa hàng và xưởng dịch vụ tại Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Hà Lan, sẵn sàng cho việc kinh doanh các dòng xe điện thông minh xuất khẩu từ Việt Nam.

Hiện VinFast Singapore do Vingroup sở hữu 51,52% vốn là công ty sở hữu trực tiếp 99,9% vốn tại Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast Việt Nam). Số vốn này được Vingroup chuyển sang cho VinFast Singapore từ tháng 12/2021 nhằm thuận tiện cho việc IPO tại thị trường nước ngoài.

Trong kế hoạch kinh doanh của mình, Vingroup cho biết việc IPO VinFast tại Mỹ là nền tảng quan trọng trong chiến lược trở thành thương hiệu toàn cầu của hãng xe điện đến từ Việt Nam.

Độc giả có thể tìm thêm kiến thức về tài chính, tiền tệ, doanh nghiệp, các câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

VinFast muốn đầu tư thêm 120 triệu euro ra nước ngoài

Hãng xe điện Việt Nam đã xin điều chỉnh tăng thêm hơn 120 triệu euro, nâng khoản đầu tư của doanh nghiệp này lên hơn 200 triệu euro tại 3 thị trường Pháp, Đức và Hà Lan.

Ông Phạm Nhật Vượng tặng 1 tỷ USD tiền cá nhân cho VinFast

Khoản tài trợ cho VinFast gồm 1 tỷ USD tài sản cá nhân của ông Phạm Nhật Vượng. Ngoài ra, còn có 1,5 tỷ USD từ Vingroup với một phần không hoàn lại.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm